Liên hoan phim Tài liệu Việt Nam – Châu Âu sẽ khai mạc tại Hà Nội vào sáng mai (8/6). 9 bộ phim tài liệu Việt Nam sẽ được công chiếu cùng 9 bộ phim tài liệu của các nước Châu Âu. “Nhìn người mà ngẫm đến ta”, khi các bộ phim của Việt Nam chiếu song song với các tác phẩm tài liệu Châu Âu đã xuất hiện nhiều vấn đề.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Việt Nam về vấn đề này.
PV: Các bộ phim tài liệu Việt Nam tham dự Liên hoan năm nay có thời lượng từ 25 đến 30 phút, và duy nhất 1 phim dài 52 phút. Trong khi đó các bộ phim của bạn thường dài từ 52 phút đến 100 phút, và thời lượng trên 52 phút cũng được xem là độ dài chuẩn cho một tác phẩm tài liệu, bà nghĩ sao về điều này?
Bà Phạm Thị Tuyết:Nếu so sánh giữa phim tài liệu của Việt Nam và Châu Âu thì có nhiều sự khác biệt. Và sự so sánh nào cũng là khập khiễng. Tuy nhiên đúng là có vấn đề về thời lượng. Phim tài liệu Việt Nam thường chỉ dài từ 25 đến 30 phút. Năm nay có một phim 52 phút nhưng đấy là tỷ lệ rất ít còn phim của bạn thường từ 52 đến 100 phút.
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, một nhân vật cả thế giới biết đến, đã trở thành nhân vật một bộ phim tài liệu của đạo diễn Lê Phong Lan |
Việc làm được một bộ phim dài không phải là đơn giản, cần nhà làm phim thật sự tài năng để sản xuất được một bộ phim dài 100 phút mà vẫn cuốn hút người xem. Điều này phụ thuộc vào năng lực người sản xuất. Thứ 2 là chúng ta còn phải nói đến khả năng tài chính. Có những phim của bạn làm trong gần 10 năm (phim sự biến đổi trong một nhà ga của Bỉ làm trong 9 năm với kinh phí khổng lồ).
PV: Bà đánh giá như thế nào về tính chủ động của các nhà làm phim tài liệu Việt Nam?
Bà Phạm Thị Tuyết: Các nước bạn, để sản xuất một bộ phim tài liệu, thường các nhà làm phim tự viết kịch bản, làm đạo diễn và họ quan tâm đến cả công tác phát hành lẫn thu hồi vốn. Cho nên, tính chủ động của tác giả đối với bộ phim rất cao.
Còn ở Việt Nam thường một người viết kịch bản, một người làm đạo diễn và chức năng phát hành lại thuộc cơ quan khác. Người đạo diễn của chúng ta không theo sát tác phẩm của mình từ lúc sản xuất đến khi phát hành và phổ biến, không biết nó thu lại được bao nhiêu tiền? hiệu quả xã hội ra sao? công chúng quan tâm đến mảng đề tài tác giả thể hiện như thế nào? Còn ở các nước khác, điều này rất rõ nét. Ở đây cũng phải nói đến cơ chế quản lý của nhà nước, vì chúng ta làm phim tài liệu hoàn toàn do Nhà nước cấp kinh phí, còn ở bạn, nhà sản xuất phải tự tìm nguồn vốn cho mình sản xuất.
PV: Việc đưa phim tài liệu đến gần hơn với công chúng luôn là điều khó khăn, là người đứng đầu cơ sở sản xuất, phát hành phim tài liệu lớn của Việt Nam, bà nhận định như thế nào về điều này?
Bà Phạm Thị Tuyết: Đây là vấn đề chúng tôi đang trăn trở. Theo tôi nghĩ không chỉ riêng rạp, mà phim tài liệu còn cần đến nhiều hơn ở kênh truyền hình, cụm rạp thậm chí là tại các bảo tàng cũng có thể chiếu phim tài liệu. Ví dụ Bảo tàng phụ nữ cần chiếu những phim về đề tài phụ nữ…
Trả lời câu hỏi ai yêu phim tài liệu thì cần đến đâu là điều mà chúng tôi đang trăn trở? Hiện nay chúng tôi đã tổ chức những ngày phim tài liệu, tuần lễ phim tài liệu… Tuy nhiên, rõ ràng là đây chỉ là cách làm mang tính sự kiện, tôi mong muốn rằng trong quy định của nhà nước sẽ đề cập đến vấn đề này rõ ràng hơn. Khi có sự gặp gỡ của nhà quản lý và sự năng động của cơ sở thì phim tài liệu sẽ đến được với khán giả.
PV: Qua 3 lần tổ chức Liên hoan phim tài liệu Việt Nam – Châu Âu bà đánh giá thế nào về sự tương tác giữa khán giả và thể loại phim tài liệu?
Bà Phạm Thị Tuyết: Tôi nghĩ là qua 4 lần tổ chức Liên hoan phim tài liệu Việt Nam -Châu Âu, cũng như những lần công chiếu tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thì lượng khán giả đến rất là đông. Đối tượng khán giả cũng rất đa dạng, phong phú từ người cao tuổi đến ít tuổi, với các nghề nghiệp khác nhau.
Đầu tiên phải nói rằng đó là sự hấp dẫn của phim tài liệu đối với khán giả rất là nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ mang tính sự kiện, Tôi hy vọng trong tương lai, khán giả sẽ biết đến phim tài liệu nhiều hơn./.
PV: Xin cảm ơn bà!