Nạn “tranh giả, tranh chép” vốn tồn tại đã lâu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam, khi người ta dễ dàng mua được tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng ngay trên đường phố. Những tưởng tình trạng ấy sẽ được ngăn chặn khi người yêu tranh tìm đến những phiên đấu giá nghệ thuật công khai, được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, khi Nhà tổ chức đấu giá cũng không dám khẳng định tính chân xác của những bức tranh đưa ra đấu giá thì nỗi lo tranh giả, tranh chép được công khai đấu giá lại tiếp tục bao trùm thị trường mỹ thuật.
Tại phiên đấu giá 12 tác phẩm mỹ thuật của các bộ tứ danh họa Việt Nam “Trí – Lân – Vân – Cẩn” và “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”, do Nhà đấu giá Chọn’s tổ chức vừa qua, chỉ có 2/3 tác phẩm có nhà sưu tầm trả giá. Dẫu được giới thiệu là tranh của các danh hoạ hàng đầu Việt Nam, mức giá khởi điểm thấp, nhưng không ít tác phẩm cũng chỉ được mua bằng giá khởi điểm, thậm chí nhiều bức không được các nhà sưu tầm quan tâm vì e ngại về độ chính xác của tác phẩm, nhất là khi tranh không có chữ ký của tác giả.
Thiếu nữ bên hoa huệ - tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân bị sao chép rất nhiều. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Nhà sưu tầm Hà Huy Thanh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Dưới góc độ người sưu tầm tranh thì chúng tôi có con mắt của riêng mình, và thật hay giả tùy thuộc vào năng lực người sưu tầm. Nhà sưu tầm dùng tiền của họ để đấu giá do đó họ chịu trách nhiệm về sự thật hay giả của chính bản thân mình khi mình bỏ tiền ra mua".
Nỗi lo tranh giả, tranh chép đang bao trùm các phiên đấu giá mỹ thuật hiện nay. Như bức tranh sơn dầu "Phố cũ" được nhà đấu giá giới thiệu là của danh họa Bùi Xuân Phái có giá khởi điểm là 8.000 USD và được chốt giá 12.500 USD. Đây là mức giá rất hời để nhà sưu tầm có thể sở hữu một tác phẩm của “ông vua phố cổ”. Tuy nhiên, trước phiên đấu giá, nhiều nghi vấn bức “Phố cũ” là tranh giả đã được giới chuyên môn đồn đoán.
Các nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở khi đã có 2 tác phẩm mang tên “Phố cũ” từng xuất hiện năm 2006 trong phiên đấu giá của Sotheby’s tại Singapore và năm 2014 của nhà Christie’s Hồng Kông. Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Anh, thành viên sáng lập ra Đấu giá Chọn, đơn vị tổ chức phiên đấu giá hôm 30/7 cũng không thể khẳng định đây có phải là tranh của danh họa Bùi Xuân Phái hay không?
Bức 'Phố cũ' đề tên Bùi Xuân Phái bị nghi tranh giả. (Ảnh: TTVH) |
Ông Vũ Tuấn Anh cho biết: "Chúng tôi không khẳng định những bức tranh mang lên đấu giá là tranh thật. Luật đấu giá Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2017, là cơ sở để thị trường mỹ thuật có thể phát triển. Trong đó quy định rõ, nhà đấu giá hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ tác phẩm, nhưng chịu trách nhiệm về thông tin công bố tại sàn đấu".
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay tranh của các danh họa Việt Nam đã bị làm giả. Còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, khách du lịch phương Tây khi đến Việt Nam rất thích tranh “Phố Phái”. Nhu cầu mua tranh “Phố Phái” tăng đột biến, những nhà buôn tranh nhanh chóng tập hợp được nhiều tác phẩm gắn mác tranh “Phố Phái”, mặc dù, đây là những bức tranh Bùi Xuân Phái chưa vẽ bao giờ.
Cho đến nay chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm về các sản phẩm giả đó và cũng không có cơ quan đại diện nào đứng ra phân biệt tranh thật giả của những bức tranh kiểu này. Dẫn đến, tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam mang ra nước ngoài không bán được giá cao, dù chất lượng không hề thua kém ai; vì các nhà sưu tầm rất e ngại nạn sao chép tranh ở Việt Nam. Trên thực tế, đã không ít nhà sưu tầm mua phải hàng giả.
Họa sĩ Trần Nhật Thăng đánh giá: "Đến 40% những bức tranh nổi tiếng ở trên bảo tàng thế giới là giả. Trong khi ở ta công tác thẩm định còn sơ khởi, với một bức tranh "trẻ" như thế này thì rất là khó".
Việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật mở ra một kênh mua, bán tác phẩm một cách công khai, thúc đẩy các họa sĩ sáng tác, cũng như giúp người yêu nghệ thuật, nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên tại Việt Nam, hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật vẫn còn khá mới mẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh tranh giả, tranh nhái tràn lan, khả năng thẩm định chưa chắc chắn, thị trường chưa hình thành rõ nét, thì các phiên đấu giá mỹ thuật cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi Nhà đấu giá không chịu trách nhiệm về nguồn gốc xuất xứ tác phẩm.
Liệu quy định trong thời gian 1 tháng, nếu có bằng chứng và xác nhận tác phẩm là tranh giả, Nhà đấu giá cùng người bán sẽ hoàn lại tiền mua tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người trúng đấu giá cộng với xin lỗi công khai như nhà đấu giá Chọn đưa ra, có giàm được áp lực xác định tranh thật, tranh giả trên vai người yêu nghệ thuật.
Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của nhà sưu tầm, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà hiến kế: "Khoảng thời gian ấy là không đủ để họ xác định vật ấy là thật hay giả. Tuy nhiên có thể áp dụng Luật Dân sự, bởi bản chất khi đấu giá vẫn phải làm hợp đồng giữa người mua và người bán. Thời hiệu để tuyên vô hiệu một hợp đồng như thế thì hiện bây giờ là 2 năm kể từ ngày giao dịch được xác lập, rõ ràng trong khoảng 2 năm là đủ để họ xác định là thật hay giả. Khi tác phẩm đó họ tưởng là thật nhưng lại là giả thì rõ ràng giao dịch sẽ vô hiệu trên cở sở có sự lừa dối hoặc nhầm lẫn đối tượng giao dịch để tuyên hủy hợp đồng mua bán".
Tranh giả vẫn được công khai đấu giá?
Ở những nước phát triển trên thế giới, với đội ngũ chuyên gia uy tín và máy móc hiện đại, việc thẩm định một bức tranh là giả hoặc thật vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức. Ngay các hãng đấu giá danh tiếng như Christie’s, Sotheby’s… cũng từng điêu đứng và phải đền bù những khoản tiền khổng lồ cho các nhà sưu tầm khi bán tranh giả cho họ. Vì vậy, khi hoạt động đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam đang đặt những viên gạch đầu tiên, thì những lùm xùm về chuyện tranh thật - giả tại các buổi đấu giá là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên không vì e ngại mà không đấu giá, để tình trạng tranh giả tự do thao túng thị trường mỹ thuật. Phải chăng, để đấu giá trở thành kênh mua bán uy tín, chất lượng thu hút các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế tìm đến, Nhà đấu giá không chỉ thẩm định để đưa lên sàn đấu giá những tác phẩm tốt nhất, mà còn phải đưa ra ánh sáng những bức tranh giả, cũng như đảm bảo quyền lợi nhà sưu tầm dài hơi hơn?/.