Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nơi diễn ra triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” là một bảo tàng chuyên ngành của nhà nước.

Khi xin phép mở triển lãm tại đây, ông Vũ Xuân Chung cũng thực hiện những thủ tục như những triển lãm khác là: chụp ảnh 10x15 các tác phẩm, gửi cho bảo tàng để bảo tàng đánh giá và trình lên Sở Văn hóa- Thể thao thành phố xét duyệt nội dung và cấp phép.

img_8234_oigh.jpg
Ngày cuối cùng của triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu", vẫn lác đác người đến xem.

Nghĩa là, trước khi triển lãm diễn ra, bảo tàng cũng không có cơ hội nhìn tác phẩm thật. Nhưng với độ quý giá và quan trọng của bộ sưu tập như chủ nhân của nó giới thiệu- tác phẩm của mỹ thuật Đông Dương, đem từ châu Âu về… Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã cẩn thận yêu cầu ông Vũ Xuân Chung làm một bản cam kết và đưa ra hồ sơ, bản đấu giá… để chứng minh đây là tranh thật.

Nhưng cuối cùng thì chất lượng và nguồn gốc tác phẩm bị phản đối kịch liệt, gây tranh cãi ngay sau khi khai mạc. Về quy trình cấp phép triển lãm, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Bảo tàng đã làm đúng theo quy trình. Ngay thời điểm đề xuất giấy phép thì bảo tàng đâu có nhìn thấy bộ tranh thật. Với bộ tranh này, ngay từ đầu bảo tàng đã đề nghị phía ông Vũ Xuân Chung phải có cam kết bằng văn bản là tranh thật và ông Chung đã làm, đã cung cấp cho bảo tàng hồ sơ. Cái gì làm được thì bảo tàng đã làm”.

Khi triển lãm này có sự cố, ngày 19/7, Bảo tàng đã trưng cầu ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này và có những nhận định ban đầu cùng lời xin lỗi công chúng.

Nhưng cuộc họp này chưa thể gọi là họp “Hội đồng thẩm định”. Họa sỹ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - người tham gia cuộc họp này- cũng chỉ nhận đây là một “Hội đồng tư vấn” cho bảo tàng, chứ chưa thể gọi là một “Hội đồng thẩm định”.

“Bảo tàng thì dừng ở mức là Hội đồng tư vấn. Mà Hội đồng tư vấn thì không ra quyết định được, chỉ đưa ra kiến nghị. Nếu muốn thành lập một Hội đổng thẩm định thật sự thì Ủy ban nhân dân thành phố phải có quyết định và cũng mấy ngày mới ra được, chứ không thể gấp như thế. Khi đó thì phải có ai là chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch, thư ký”- Họa sỹ Trung Tín nói.

Như vậy, để thành lập một “Hội đồng thẩm định” là việc không đơn giản và hội đồng này thường chỉ thành lập khi xảy ra tranh cãi, khi cần có một quyết định chính thức về chất lượng, nguồn gốc.

Trong khi đó, trên thực tế, công chúng có quyền yêu cầu được xem những tác phẩm chân thật, chất lượng đúng như tên gọi của các triển lãm và các tác phẩm đó phải có sự thẩm định về chuyên môn một cách bài bản, quy củ trước khi đến với công chúng.

Ông Lưu Văn Hai, chủ nhân một phòng tranh ở quận Bình Thạnh cho rằng: “Ở bảo tàng Mỹ thuật thì công chúng rất tin tưởng. Vì đây là bảo tàng nhà nước, không phải là những galary tư nhân ở ngoài. Cho nên mong sau này nếu bảo tàng Mỹ thuật có trưng bày tất cả các loại tranh thì phải qua hội đồng nghệ thuật thẩm định rồi hãy đem ra trưng bày, để giữ uy tín của bảo tàng mà đó cũng là tôn trọng công chúng”.

Cũng là một người quan tâm đến hoạt động mỹ thuật và quan tâm đến vụ việc xung quanh triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, ông Hồ Quang Khải ở quận Phú Nhuận cho rằng: “Quản lý mỹ thuật của nơi triển lãm, của bảo tàng hoặc của cơ quan cho phép mở triển lãm cũng còn lỏng lẻo. Điều này phải chấn chỉnh lại. Tôi thấy rất cần phải có một hội đồng nghệ thuật. Tức là, bức tranh đó nếu đem ra triển lãm trưng bày thì nên qua một hội đồng nghệ thuật”.

Trong khi Việt Nam chưa có những trang thiết bị để phân biệt các tác phẩm mỹ thuật thật- giả, niên đại, nguồn gốc và nhiều yếu tố khác có liên quan, thì ngành chức năng nên có một trung tâm, hoặc một hội đồng thẩm định chuyên môn.

Quan trọng hơn, tranh (cùng các tác phẩm nghệ thuật) trước khi đưa ra giới thiệu với công chúng cần được thẩm định qua trung tâm, hội đồng này để có những đánh giá nhất định và để quy trình xin phép triển lãm cũng chặt chẽ hơn./.