Sáng 28/6 tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận đã tái hiện lễ cúng thần Sóng biển cầu mong sự an lành đến với những ngư dân đang bám biển,.

Lễ cúng thần Sóng biển (hay còn gọi là lễ cúng Po Riyak) là một trong những hoạt động chính trong chuỗi các hoạt động “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức.

Lễ cúng thần sóng biển đã gắn bó lâu đời trong cộng đồng bà con dân tộc Chăm vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là nghi lễ dân gian truyền thống của đồng bào, với mục đích cầu mong thần Biển chở che, phù hộ cho những người đi biển, cứu giúp họ khi gặp nạn. Thời gian qua, lễ cúng thần sóng biển của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Lễ cúng thần sóng biển của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận tái hiện một hoạt động độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam, của đồng bào dân tộc Chăm. Đây là hoạt động có ý nghĩa xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc”. 

Đối với người Chăm, thần linh hiển hiện, ngự trị khắp nơi: đất, trời, sông, núi, nhà cửa, đất đai… đều có những vị thần trông coi,đảm trách. Vì vậy, người Chăm cũng có vị thần Biển ngự trị và trông coi đại dương mà họ thường gọi là thần Po Riyak.

Po Riyak hiển linh được người Chăm tôn thành thần và thờ phụng ở hầu hết các làng Chăm Ninh Thuận. Người ta gọi Ngài là thần Sóng biển. Lễ tế được tổ chức vào đầu năm lịch Chăm (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch). Hàng năm, đồng bào Chăm không phân biệt Bà la môn hay Bà ni đều sắm sửa lễ vật về đây cúng tế rất đông đúc và nhộn nhịp./.

img_6478_mhyr.jpg 

Đồng bào dân tộc Chăm chuẩn bị lễ vật là hoa quả tươi, trầu cau dâng lên vị thần Biển linh thiêng

 

Người Chăm là cư dân sống ven biển, đã từng gắn bó với biển. Văn hóa biển của họ vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong các nghi lễ qua lễ vật, các nghi thức cúng tế…

 

Lễ cúng Po Riyak được tổ chức theo nghi thức Rija Ponai do các vị Mâduen, Ka–ing và ban nhạc lễ thực hiện

 

Chức sắc Ka-ing rót rượu dâng thần Po Riyak

 

Đây là nghi lễ dân gian truyền thống, với mục đích cầu mong thần Biển chở che, phù hộ cho những người đi biển, cứu giúp họ khi gặp nạn

 

Quang cảnh lễ cúng Poriyak do ngư dân đồng bào dân tộc Chăm tái hiện tại Hà Nội

 

Ban nhạc lễ

 

Chức sắc Ka-ing múa trong lễ cúng Po Riyak

 

Ông Ka-ing vẫy tay chèo cầu mong sự an lành đến với những ngư dân đang bám biển

 

Bà con làm lễ, khấn vái thần Biển

 

Ngày nay, người Chăm không còn nghề làm biển hay thương buôn trên biển như xưa, nhưng có niềm tin vào vị thần Biển của họ vẫn sâu sắc như đối với các vị thần khác có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.