vov_dam_cuoi_nguoi_dao_do_1_lwxc.jpg
Khi mùa màng đã thu hoạch xong, thóc lúa đã đầy bồ là lúc người Dao đỏ ở Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái bắt đầu tiến hành cưới hỏi cho con cháu.
 Truyền thống người Dao không đón dâu tại nhà gái, bên nhà gái sẽ đưa dâu về nhà trai. Đoàn đưa bao gồm Trưởng đoàn, bố mẹ và đại diện họ hàng, bạn bè cô dâu. Số lượng người đưa đã được hai họ thống nhất từ trong ăn hỏi.
Khi còn cách nhà trai khoảng vài trăm mét, đoàn nhà gái sẽ dừng để chỉnh lại trang phục cho cô dâu.
Lúc này, phía nhà trai sẽ nổi kèn trống đi ra khỏi nhà đón đoàn.
Khi hai họ gặp nhau, đoàn nhà trai sẽ dẫn đoàn nhà gái đến một khu đất trống để "Vuồi xình cha" (tức lễ quây đoàn nhà gái).
Trong ngày trọng đại này, cô dâu mặc trang phục được thêu thùa cẩn thận từ mũ đến yếm, váy áo, chi em trong đoàn cũng chọn những bộ trang phục truyền thống mới nhất để mặc.
Tất cả những bộ trang phục này đều đươc chị em phụ nữ Dao tự làm thủ công. Riêng đối với bộ trang phục cô dâu phải mất từ 6 tháng đến cả năm hoàn thành.
Đoàn nhà gái chỉnh sửa lại trang phục cho cô dâu trước khi Đoàn nhà trai tiến hành làm lễ  "Vuồi xinh cha".
Dẫn đầu đoàn "Vuồi xinh cha" là ông thổi kèn, đến đánh trống, chiêng, chũm chọe đi vòng tròn, hình buộc lạt số 8... quanh đoàn nhà gái. Với ý nghĩa là cho đôi vợ chồng mãi bền chặt, hai họ luôn gắn bó.
Kết thúc lễ "Vuồi xinh cha", cô dâu và đoàn nhà gái sẽ được dẫn đến trước của ngôi nhà truyền thống.
Tại ngôi nhà truyền thống 5 gian cuả người Dao đỏ, cô dâu sẽ đứng quay lưng vào trước cửa gian giữa ngôi nhà, cạnh là phù dâu và người che ô (không kể mưa hay nắng) chờ làm lễ và thời khắc đẹp để bước vào nhà.
Ngôi bên trái cô dâu là đàn ông và chị em phụ nữ trung tuổi, bên phải cô dâu là các chị em phụ nữ trẻ.
Trong lúc chờ thầy cúng bên trong nhà làm lễ, bên nhà trai sẽ đưa những chậu nước ấm đến cho các thành viên đoàn nhà gái rửa chân tay; tiếp đến là mời nước, chè, thuốc để tỏ lòng thành kính.
Khi thời khắc đẹp đã đến, thầy cúng hóa kiếp con gà và...
...cô dâu sẽ quay ngược ra sau rồi được dắt bước vào nhà, theo sau là các thành viên đưa dâu.
Một điểm thú vị nữa trong đám cưới người Dao đỏ ở Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái, trong suốt quá trình đón dâu chú rể không xuất hiện, đến khi cô dâu vào nhà, lúc này chú rể mới được đón về làm lễ "Pái tòng" tức bái đường cùng cô dâu.
Tại lễ "Pái tòng'', cả hai vợ chồng trẻ sẽ hướng lên phía bàn thờ, chú rể cầm khăn, rồi đến rượu, tiền bạc bái 3 bái, cô dâu lạy 1 lạy. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngồi phía trên chứng kiến lễ "Pái tòng" là những người thuộc lớp bề trên của cô dâu và chú rể.
Thứ tự ngồi sẽ là hàng cụ, ông bà, bố mẹ, bác, cô chú và sau cùng là anh chị.
Ý nghĩa của Bái đường là cảm tạ tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh, khắc ghi công ơn ông bà, cha mẹ nuôi nấng để lớn khôn thành người và cầu cho tình vợ chồng hạnh phục trăm năm.
Trong suốt quá trình lễ Bái đường đều diễn ra trên nền nhạc truyền thống của đồng bào.
Kết thúc phần nghi lễ truyền thống, chú rể Trịnh Thắng và cô dâu Triệu Lượng mới được bỏ khăn, mũ để ra mắt hai họ và khách mời gần xa.
Cùng với các nghi lễ truyền thống, trong lễ cưới người Dao đỏ ở Tân Phượng, Lục Yên, Yên Bái còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như: Cho chú rể bịt mắt đoán cô dâu và người lại; thi hát giao duyên; nhảy văn.../.