Ngày mùng 3 Tết Kỷ Hợi 2019, hàng nghìn người dân đến Văn Miếu -Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) để thắp hương cầu tài lộc, thi cử đỗ đạt và xin chữ lấy may đầu năm.

vov_xin_chu_dau_nam_1_azdl.jpg
Ông đồ Trần Tám (Hồ Văn-Văn miếu Quốc Tử Giám).

Từ sáng sớm, hàng nghìn người đã có mặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám tham quan, thắp hương cầu tài, cầu đỗ đạt, cầu công danh sự nghiệp, và một việc làm không thể thiếu khi đến đây là xin chữ đầu năm. Mỗi người xin chữ theo mong muốn của mình nhưng tâm lý chung là cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, bình an, mạnh khỏe.

Ông đồ ngồi bên Hồ Văn (Văn Miếu-Quốc Tử Giám) đã qua các kỳ thi tuyển, mặc áo dài, khăn đóng khi cho chữ.

“Chúng em mỗi người xin một chữ riêng theo nguyện vọng mỗi người. Năm nay em xin chữ “công danh” vì chuẩn bị đi làm, bạn em xin chữ “đỗ đạt” vì năm nay thi chuyển cấp, còn bạn nữa xin chữ cát tường. Bọn em xếp hàng xin chữ trước, đợi chữ khô thì vào lễ”, một bạn trẻ chia sẻ.

"Tôi đưa các cháu đến đây muốn cho các cháu hiểu văn hóa cũng như Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa của việc học hành. Các cháu rất vui và hào hứng”, một người dân Hà Nội cho hay.

Việc cho chữ và xin chữ thể hiện sự tôn trọng từ 2 phía người xin và người cho.

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, hình ảnh những ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, bày “mực tàu giấy đỏ” hiện diện trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng trong ngày Tết của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng hướng thiện của con người và hy vọng vào sự may mắn của một năm mới.

Theo thầy đồ Trần Tám, Câu lạc bộ Việt Tâm Bút: Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa.

Ông đồ ngồi trong Văn Miếu -Quốc Tử Giám không mặc áo dài truyền thống theo quy định.

Theo quan niệm truyền thống, người viết thư pháp không chỉ cần nét chữ đẹp mà phải hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng chữ mình viết ra cũng như tâm nguyện, tính cách của người xin chữ. Các ông đồ phải tư vấn làm sao để người xin chữ đi đến cái thiện bởi cái thiện là cái cần nhất đối với một con người giúp người xin chữ và người cho chữ có sự hài hòa, vui vẻ.

“Xin chữ đầu năm ngày xưa chỉ có 2 vấn đề, thứ nhất là để cho gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, tài lộc và vấn đề tiên quyết mọi thứ khác là sức khỏe. Trong ngày đầu năm mới, câu đầu tiên là chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý. Điều ý nghĩa của tục xin chữ này là mang lại cho con người niềm tin về mọi điều tốt trong xã hội, mang ý nghĩa tích cực”, thầy đồ Trần Tám cho biết.

Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Qua những nét chữ, người xin và người cho chữ đều mong muốn đem đến sự may mắn trong một năm mới. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị truyền thống tốt đẹp của tục xin chữ đầu năm vẫn còn những biến tướng làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp này. Nhiều người đi xin chữ hoặc mua chữ theo kiểu vội vã, như một phong trào, cách xin chữ chưa thể hiện sự kính trọng và thành tâm với người cho chữ…

Nhiều người không muốn xếp hàng chờ xin chữ nên mua chữ được viết sẵn với giá 120-150 nghìn một chữ viết trên giấy đỏ.

“Chính vì mình là người đang ở trong không gian văn hóa này nên phải có cử chỉ, lời nói khiêm tốn và thể hiện làm sao để người ta hiểu được “Bạn như thế là sai rồi, bạn phải nên như thế này, thế kia..”. Tư duy người xin chữ cũng phải chỉn chu, đúng mực, tức là xin chữ bằng tấm lòng chân thành, tôn trọng người cho chữ. Trong tư duy của mình, xin chữ là để cầu an,  sức khỏe, may mắn cho gia đình với ý nghĩa tích cực”, thầy đồ Trần Tám nói.

Treo chữ trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình cũng là thể hiện mong ước trong năm mới. Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng và gìn giữ, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa nhân văn... Hy vọng, nét đẹp truyền thống này sẽ được người dân hiểu đúng và được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong đời sống văn hóa của người dân Việt./.