** Được biết, anh đang triển khai dự án viết về côn trùng. Anh tìm thấy điều gì thú vị ở chủ đề này?

Nó rất thú vị là đằng khác. Người ta hay làm những việc đao to búa lớn, còn tôi thì hay thích làm ngược lại. Thực ra, các cụ ngày xưa cũng đã viết về những con ấy rồi, ví như: con nhện giăng mùng trong quan họ Bắc Ninh. Quan điểm của tôi là viết về cái gì cũng được, quan trọng có hay không mà thôi. Tôi đã từng viết về con chuồn chuồn, đến giờ, sau gần 20 năm, tôi nghĩ mình nên cho ra một xu hướng mới, viết về những con ong, bướm, châu chấu… Tôi nghĩ đó cũng là ý tưởng thú vị với bản thân mình.

** Anh có nói rằng “Chuồn chuồn ớt, Bên bờ ao nhà mình là khoảng thời gian đẹp đầu tiên chứ không phải là khoảng thời gian đẹp nhất của tôi”; bất ngờ anh đưa ra dự án viết về côn trùng, anh có nghĩ dự án này cũng sẽ tạo được dấu ấn nhất định như Chuồn chuồn ớt và Bên bờ ao nhà mình không?

Tôi không nghĩ thế. Khi người ta đã có được một dấu ấn gì đó rồi, để có được tiếp thêm dấu ấn nữa thật là khó. Với dự án côn trùng này, tôi chỉ muốn đưa ra một xu hướng mà mình cảm thấy hứng thú, không đao to búa lớn, hay vĩ đại, hoành tráng như mọi người nói. Có thể cho đó là cách tôi chơi với âm nhạc thôi.

le-minh-son-2.jpg

"Có thể coi dự án côn trùng là cách tôi chơi với âm nhạc"

** Anh từng nói “Lê Minh Sơn sống hay chết cũng vì đàn bà”, nhưng có vẻ ít thấy bóng dáng họ trong ca khúc của anh, mà hay thấy người ta gọi anh là nhạc sĩ “ruộng vườn”?

Tình yêu không nhất thiết cứ phải gào lên, như thế chẳng còn gì gọi là tình yêu nữa. Người phụ nữ rất quan trọng, họ ẩn sâu bên mình. Không có tình yêu thì không thể viết được. Không có tình yêu, không có mặt trời, không có cả sự sống… Không phải với riêng tôi, mà với rất nhiều nhạc sĩ, người phụ nữ làm nên giá trị tinh thần để sáng tạo ra những sản phẩm âm nhạc. Người xưa đã đúc kết rồi, phải có âm có dương mới cân bằng, hoà hợp. Không có phụ nữ thì thế giới này làm sao có thể tồn tại được, mà thế giới đã không tồn tại được, mặt trời còn có thể nổ tung thì Lê Minh Sơn làm sao có thể tồn tại để sáng tác.

"Chuồn chuồn ớt, Bên bờ ao nhà mìnhlà khoảng thời gian đẹp đầu tiên chứ không phải là khoảng thời gian đẹp nhất của tôi. Tôi đang có dự án viết về côn trùng, về cái tăm xỉa răng, về cái cột điện….”
** Sau côn trùng, cái tăm, cái cột điện, anh định đưa đối tượng nào vào ca khúc của anh nữa?

Tôi không hay nghĩ quá xa. Nhưng khi đã đưa ra cho mình một xu hướng sáng tác mới, tôi sẽ đưa ra một loạt bài như đã từng làm, chứ không chỉ có 1, 2 bài. Ví như chủ đề về Hà Nội “Một khúc sông Hồng” năm ngoái, tôi cũng đã tổ chức được 2 đêm diễn tại Nhà hát Lớn; ra được DVD; hay về làng quê tôi cũng cho ra một loạt ca khúc với Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá, Giếng làng, Đá trông chồng, Ôi quê tôi, À í a, … như vậy mới có thể gây được sức công phá, nếu chỉ có 1, 2 bài thôi thì chẳng thể có được Lê Minh Sơn ngày hôm nay.

Dự án viết về côn trùng là một cảm hứng mới của tôi. Và chính “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài đã ám ảnh, thôi thúc tôi viết về xu hướng này. Trong đêm nhạc “Guitar cho ta” diễn ra vào tối 1/1/2011 tới đây, tôi sẽ trình làng 2 con đầu tiên: đó là con kiến lửa và con châu chấu đỏ đầu. Còn nhện, bướm, ong, bọ hung, tôi sẽ giới thiệu sau.

** Trong 11 đêm nhạc của anh được tổ chức từ năm 2000 đến nay có thể nhận thấy không thể thiếu được phần hoà tấu Guitar Flamenco?

Đúng vậy, trong 11 đêm nhạc đã từng tổ chức và đêm nhạc lần thứ 12 tới đây, không thể thiếu được phần hoà tấu Guitar Flamenco bởi đó là món ăn hấp dẫn của Lê Minh Sơn và khán giả yêu Lê Minh Sơn. Có thể nói, số lượng khán giả yêu guitar của Lê Minh Sơn còn nhiều hơn cả số khán giả yêu ca khúc của Lê Minh Sơn.

Tôi quan niệm, được sống trong không gian âm nhạc của mình, do mình tạo ra và kiểm soát là niềm hạnh phúc lớn lao của người nhạc sĩ. Do đó tôi không chờ “bầu sữa” tài trợ rót cho mình. Tôi đã có được thương hiệu, thương hiệu Lê Minh Sơn thuộc về một số ít khán giả, do đó tôi phải bảo vệ nó.

** Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh./.