Những năm gần đây, trình độ thưởng thức âm nhạc của người Việt được nâng cao, nhiều chương trình hòa nhạc giao hưởng thính phòng được tổ chức tạo đất diễn cho các nghệ sĩ của dòng nhạc kén người này. Tuy vậy, thực tế chua xót là thu nhập từ nghề "hàn lâm" này lại không đủ sống. Điển hình là các nghệ sĩ nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, một trong hai dàn nhạc giao hưởng hàng đầu Đông Nam Á.
Lương chỉ từ 3- 5 triệu đồng/tháng
Âm thanh của các bản nhạc giao hưởng thính phòng mặc nhiên được người đời gắn với khung cảnh nguy nga, tráng lệ của những thành quách, lâu đài, biệt thự. Và những người nghệ sĩ chơi những loại nhạc cụ hàn lâm đó cũng được người ta ngưỡng mộ về tài năng, trình độ hiểu biết về nghệ thuật và đương nhiên được cho là có một mức sống khá giả. 
Nhưng ở Việt Nam có một thực tế đáng buồn, NSND Trung Kiên có lần đã phải dùng đến từ "lầm than" để mô tả về cuộc sống của những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, thính phòng. Còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhiều lần phải dùng từ “xót xa” mỗi khi nhắc đến đời sống của những đồng nghiệp mà theo anh, họ thực sự là những tài năng, tài sản quý của đất nước nhưng phần lớn trong số họ đều sống chật vật.
3nguyen%20trung%20dung.jpgÔng Nguyễn Trung Dũng, Phó đoàn trưởng Đoàn nhạc
Hiện, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam có biên chế khoảng 100 nghệ sĩ. Trong khi các nghệ sĩ nhạc thính phòng, giao hưởng ở các nước trong khu vực, lương tháng khoảng 1.500 USD thì thu nhập bình quân của các nghệ sĩ Việt Nam chỉ khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.Mỗi đêm diễn, thù lao cũng chỉ 600.000 đồng, trong khi mỗi tháng, các suất diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số tiền đó đủ để hình dung cuộc sống của các nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam khốn khó thế nào trong thời buổi mọi thứ đua nhau tăng giá. 
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó đoàn trưởng Đoàn nhạc, nghệ sĩ đàn cello cho biết: “Trong ngạch bậc lương, không có ngạch bậc cho diễn viên giao hưởng mà chung ngạch bậc cho y tá, y sĩ. Cao nhất, kịch bậc là 4,06 nhân với mức lương cơ bản chẳng đáng là bao. 
“Quan trọng ở chỗ chúng tôi có bằng đại học mà ăn lương trung cấp” - ông Dũng cho biết. Vì thế, “mọi người đều phải làm thêm. Tôi thì đi biểu diễn, đóng phim…Muốn làm gì thì làm nhưng không được ảnh hưởng đến công việc, giờ giấc cơ quan".
Làm đủ nghề để trụ với… nghề 
NSƯT Đào Tuyết Trinh từng từ chối lời mời thu âm, với tiền thù lao 500.000 đồng ở một phòng thu, để thực hiện buổi tập có thù lao chỉ 50.000 đồng của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Chị chia sẻ: "Ngoài làm ở đoàn nhạc, tôi còn phải đi dạy thêm, đi đánh nhạc ở các khách sạn, các sự kiện, thực sự đó là mới thu nhập chính. Tuy nhiên, anh em ở đây rất tự hào vì không bao giờ bỏ buổi tập, rất trọn vẹn công việc vì tình yêu của mình..."
Vì yêu nghề, họ chấp nhận làm thêm những công việc khác, dù không liên quan và dù có vất vả đến mấy họ cũng làm để sống và đeo bám được với nghề: nghệ sĩ kèn Cor nổi tiếng Trần Hoàng Phong làm thêm nghề thợ tiện; nghệ sĩ đàn Obe Lê Ngọc Bách làm chủ cửa hàng máy bơm. Có lẽ khó khăn sẽ nhân đôi khi cặp vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng và Nguyễn Diệu Hồng làm cùng đoàn. Nhưng tình yêu với nghề nghiệp và lòng kiêu hãnh, tự trọng của người làm nghề đã khiến họ quyết định thắt chặt chi tiêu để sống với nghề.
Nghệ sĩ Nguyễn Diệu Hồng cho biết: “Chồng tôi, trước cũng đi làm thêm sửa xe máy, nói chung là bất kể nghề gì có thể làm được để kiếm tiền. Nhưng sau này tôi không đồng ý cho anh đi làm nữa và nói rằng có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều hoặc là tôi đi dạy thêm. Nhưng không phải lúc nào cũng có việc để mà làm”.
Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam
Để trở thành một nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, các nghệ sĩ ngoài việc phải có năng khiếu nổi trội còn phải trải qua nhiều năm khổ luyện từ khi còn nhỏ, bậc sơ cấp, trung cấp rồi lên đại học. Hiện nay, trong Dàn nhạc có nhiều người đã hoàn thành cấp bậc thạc sĩ nhưng lại không nhận bằng vì nó chẳng thay đổi mức lương mà nhà nước qui định cho họ. 
Khi được hỏi về thu nhập từ nghề, các nghệ sĩ này đều buồn và tủi thân. Họ cũng chạnh lòng mỗi khi có cơ hội hợp tác với bạn bè nước ngoài (có mức lương ngàn đô), hay đọc báo thấy đầy rẫy những ca sĩ thị trường, MC, người mẫu trình độ thì trung bình mà lại có catse "khủng", đi xe siêu sang, xài hàng hiệu. 
Nhưng, đáng trân trọng là tất cả những muộn phiền, khó khăn đều tan biến khi các nghệ sĩ rạng ngời bước lên sân khấu, thăng hoa theo từng nốt nhạc, hân hoan đón nhận những tràng vỗ tay đầy ngưỡng mộ từ khán giả trong và ngoài nước. Để rồi sau đó họ lại trở về với cuộc vận lộn mưu sinh để nuôi dưỡng một tình yêu chân chính của người nghệ sĩ./.