Cống hiến cho nghệ thuật đã gần 60 năm, tham gia mọi lĩnh vực của nghệ thuật âm nhạc như: sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu nhưng NSND Trần Quý đã gắn bó nửa đời người với bục chỉ huy.

PV: Hơn 30 năm đứng trên bục chỉ huy, với NSND Trần Quý, đây có phải là công việc gian truân không?

NSND Trần Quý:Nếu nói gian truân thì phải kể từ thời kỳ học âm nhạc tại Liên Xô. Tôi là một trong những người đầu tiên được Nhà nước cử đi học Đại học Âm nhạc. Lúc đó, vừa mừng lại vừa lo. Lo vì trình độ âm nhạc của chúng tôi quá thấp so với yêu cầu, chỉ ở mức sơ cấp. Chúng tôi không được đào tạo cơ bản. Lý thuyết chỉ tự học qua các sách nhạc của Pháp để lại, chơi đàn cũng chỉ được học tại các lớp ngắn hạn do các nhạc sĩ đàn anh dạy rồi qua công tác thực tế mà tiến bộ.

Do chưa đủ trình độ nên chúng tôi phải học 2 năm dự bị đại học. Trong 2 năm này phải bổ túc chương trình của 4 năm Trung cấp, sau đó phải thi, đủ tiêu chuẩn mới được vào nhạc viện. Vì vậy, chúng tôi phải học mỗi ngày 14 tiếng. Khi ăn, cũng vừa ăn vừa nghe đĩa nhạc giao hưởng, khi đi tầu điện từ ký túc xá đến nhạc viện cũng tranh thủ học. Có nhiều đêm, nhạc viện đóng cửa lúc 23h, tôi phải trốn bảo vệ, ngủ lại trong lớp để 5h sáng hôm sau dậy tập đàn Piano.

Sau 2 năm, cả 3 chúng tôi thi, đều đạt yêu cầu và được nhận vào Nhạc viện.

PV: Tại sao ông lại chọn chuyên ngành chỉ huy rất mới lạ ở Việt Nam và đòi hỏi nhiều khó khăn gian khổ?

NSND Trần Quý:Trước khi lên đường, các anh lãnh đạo ngành âm nhạc nói với chúng tôi, chỉ vài ba năm nữa sẽ thành lập dàn nhạc Giao hưởng, nên cử chúng tôi đi học chỉ huy để cùng với các nhạc sĩ hiện thời xây dựng nền âm nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Chuyên ngành chỉ huy phải học rất nhiều môn, cũng bao gồm cả chuyên ngành sáng tác. Nếu muốn sáng tác thì với những kiến thức và kỹ năng âm nhạc của người chỉ huy, chúng tôi vẫn có thể sáng tác các thể loại âm nhạc; chỉ cần có tâm hồn, có cảm xúc trước cuộc sống, có tìm tòi sáng tạo. Trên thế giới cũng có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng cả về sáng tác và chỉ huy.

PV: Học tập gian khổ tại Liên Xô, vậy khi trở về, ông đã mang theo trong mình những hoài bão gì?

NSND Trần Quý:Lúc đó, tôi nghĩ phải đem hết sức mình công tác, vận dụng tất cả những kiến thức đã được học vào hoàn cảnh Việt Nam, góp phần xây dựng một nền âm nhạc mới. Việt Nam không chỉ có âm nhạc dân tộc cổ truyền mà còn phải có thêm nhiều thể loại khác để có thể thể hiện các đề tài, nội dung đương đại để nền âm nhạc mới của chúng ta phong phú hơn. Muốn thế, chúng ta phải tiếp thu những tinh hoa âm nhạc của nhân loại rồi Việt Nam hóa để phục vụ công chúng.

tranquy.jpg

NSND Trần Quý (thứ hai từ phải sang)

PV: Là người dàn dựng những tác phẩm giao hưởng và nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam như “Cô Sao” của nhạc sỹ Vũ Nhuận, “Bên bờ Krôngpa” của nhạc sỹ Nhật Lai; nhạc kịch lúc ấy cũng là lĩnh vực mới mẻ với nền âm nhạc Việt Nam thì ông đã gặp phải những khó khăn gì?

NSND Trần Quý:Khi về nước nhận công tác, tôi được cử làm chỉ huy chính của Đoàn Giao hưởng – Hợp Xướng. Lúc đó cũng không gặp khó khăn gì về nghề nghiệp vì phương pháp đào tạo của Liên Xô là vừa học vừa hành. Ngay từ khi còn học dự bị đại học, mỗi tháng cũng có ít nhất 2 buổi thực tập chỉ huy dàn nhạc giao hưởng; từ năm thứ 3 đại học chúng tôi đã chỉ huy trước công chúng Leningrad và một số thành phố của Liên Xô các chương trình Giao hưởng.

Về Việt Nam, việc vất vả nhất lúc đó là dàn dựng các chương trình Giao hưởng và Opera mới. Trình độ diễn viên của thời đó không đồng đều nên phải bố trí những buổi tập cá nhân, tập riêng từng bè rồi mới hòa tấu cả dàn nhạc. Có những đoạn khó phải tập đi tập lại nhiều lần, nhưng các diễn viên rất có trách nhiệm. Ngoài giờ tập chính, họ còn tranh thủ tự tập riêng để bảo đảm khi vào hòa tấu chung theo kịp dàn nhạc. Chúng tôi đã tập luyện và biểu diễn thành công nhiều chương trình Giao hưởng gồm các tác phẩm Việt Nam và các tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới.

Những năm đó, tuy Giao hưởng và Opera là loại hình mới  đối với Việt Nam nhưng khán giả rất yêu mến đón nhận. Nhất là khi diễn những vở Opera Việt Nam như Cô Sao, Người tạc tượng (Đỗ Nhuận) Bên bờ Krông Pa ( của Nhật Lai), Bông sen ( Lưu Hữu Phước). Thường là bán hết vé, cả ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Kết quả đó đã động viên, khích lệ các nghệ sĩ chúng tôi phải cố gắng, lao động nghệ thuật có nhiều sáng tạo hơn nữa trong biểu diễn để đáp ứng những yêu cầu của công chúng.

PV: Năm 1970, NSND Trần Quý tham gia dàn nhạc dân tộc của Nhà hát ca múa nhạc Trung ương. Tại sao lại có sự lội ngược dòng này khi ông được đào tạo chuyên ngành về âm nhạc bác học nhưng lại chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là nhạc dân tộc.

NSND Trần Quý:Tôi không nghĩ,được đào tạo âm nhạc bác học lại đi vào con đường âm nhạc dân tộc là lội ngược dòng. Đó là 2 nhánh của một dòng chảy, nhánh này hỗ trợ cho nhánh kia để tạo nên những tác phẩm tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta không thể bê nguyên những bút pháp, ngôn ngữ của giao hưởng châu Âu mà phải Việt Nam hóa, dân tộc hóa tác phẩm giao hưởng bằng cách đưa những nhân tố, từ giai điệu đến hòa thanh, tiết tấu; những tinh hoa, đặc trưng của âm nhạc dân tộc vào tác phẩm giao hưởng.

Điều quan trọng là nhạc sĩ phải biết phối hợp cho hài hòa, không để tinh hoa nọ phá tinh hoa kia. Chủ yếu là phải đề cao, làm nổi bật mầu sắc dân tộc Việt Nam. Đó là tâm nguyện của tôi mà cũng là của hầu hết các nhạc sĩ khác.

Để chỉ huy được một dàn nhạc dân tộc đương đại, tôi phải học ở các bác nghệ nhân, các diễn viên sử dụng nhạc cụ trong dàn nhạc; phải đọc rất nhiều tài liệu, nghiên cứu rất kỹ về âm nhạc dân tộc cổ truyền, dân ca, dân nhạc của nhiều vùng, nhiều dân tộc khác nhau trên đất nước Việt nam.

Song song với hoạt động sáng tác, dàn dựng chỉ huy trong lĩnh vực dân tộc, tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực chỉ huy Giao hưởng. Tới năm 2006, khi tuổi đã cao, sức khỏe kém tôi đã dừng hoàn toàn không chỉ huy nữa mà chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực lý luận và đào tạo.

PV: Với tình yêu và đam mê về âm nhạc dân tộc, ông đã viết nhiều tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và hòa tấu được giới chuyên môn đánh giá cao. Dường như ông đã tìm ra một không gian sáng tạo mới với nhạc cụ dân tộc cho những sáng tác của mình?

NSND Trần Quý:Tôi ham mê sáng tác từ cách đây hơn 60 năm. Lúc đó, trình độ chưa có gì, chỉ học hỏi qua những bài hát của các nhạc sĩ đàn anh và những bài hát ngoại quốc. Thế rồi cũng tập tọe sáng tác. Năm 1953-1954, tôi đã có một số bài hát được phổ biến trong quân đội. Bài “Hát mừng Anh hùng Núp”, “Lời ca Thống nhất” và bài “Tiếng hát trên sông Nậm Na”được phổ biến rộng rãi, công chúng yêu mến đón nhận.

Ngoài ra, tôi cũng đã tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, đào tạo được hơn 20 chỉ huy Giao hưởng, tốt nghiệp bậc đại học, nhiều người đã trở thành NSƯT, giữ những trọng trách chủ chốt trong các đơn vị Nghệ thuật TW và địa phương.

PV: Xin cám ơn nghệ sỹ Trần Quý!/.