Sáng 16/1 tại Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề “Văn hóa Nhật Bản”. Chương trình do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng với Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Hội những người bạn Bảo tàng Quốc gia Kyushu và tỉnh Fukuoka, vùng Kyushu (Nhật Bản) phối hợp tổ chức.

Đây là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa giữa hai nước nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Bên cạnh triển lãm trưng bày chuyên đề  “Văn hóa Nhật Bản”, chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu, giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội từ ngày 16/1 đến ngày 9/3 như: Tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống Nhật Bản, lễ hội Fukuoka, trình diễn thời trang Nhật Bản, chiếu phim hoạt hình…

img_3365%20copy.jpg
Các đại biểu cắt băng Khai mạc Trưng bày chuyên đề "Văn hóa Nhật Bản" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Thông qua chuỗi hoạt động trong chương trình, Bộ VHTT&DL bày tỏ sự tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu biết hơn nữa về văn hóa Nhật Bản, từ đó củng cố thêm tình hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia.

Triển lãm lần này đem đến 70 hiện vật đặc sắc, tiêu biểu được lựa chọn từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng quốc gia Kyushu và một số bảo tàng, cơ quan văn hóa khác tại Nhật Bản, trưng bày giới thiệu tới công chúng Việt Nam và quốc tế về lịch sử và những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản cũng như về lịch sử giao thương giữa hai nước.

Những nội dung chính trong trưng bày bao gồm: Đồ gốm cổ đại Nhật Bản, Đồ đồng cổ đại Nhật Bản, Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản, Vật dụng nghi lễ Phật giáo, Lịch sử bang giao Việt Nam – Nhật Bản, Nghệ thuật Samurai, Sưu tập hiện vật trao đổi văn hóa...

Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản được giới thiệu trong Lễ khai mạc

Trong khuôn khổ Lễ khai mạc trưng bày, công chúng còn có dịp thưởng thức bánh truyền thống Nhật Bản; Nghệ thuật trà đạo; chiêm ngưỡng các trang phục truyền thống của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Chúng tôi tổ chức giới thiệu một cách cơ bản và khái quát nhất tiến trình lịch sử, văn hóa của Nhật Bản từ giai đoạn cách đây 5.000 năm đến thời đương đại. Một loạt những sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lần này khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa hai nước, góp phần cho sự  hiểu biết lịch sử, văn hóa, tăng cường mối quan hệ tốt hơn nữa trong tương lai”.

Trước đó, vào đầu năm 2013 tại Nhật Bản đã tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại”, đánh dấu mối quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản. Với khoảng 300 tài liệu, hiện vật, trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu về lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mà còn giới thiệu rộng rãi tới khách tham quan Nhật Bản và du khách quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Việt Nam. Trưng bày đã thu hút hơn 70.000 lượt khách tới tham quan, tìm hiểu.

Trưng bày chuyên đề “Văn  hóa Nhật Bản” sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày tháng 16/1 đến ngày 9/3/2014./.Một số hình ảnh trong triển lãm:

Mũ Samurai, được làm bằng sắt, chỉ sợi thời Edo, thế kỷ 18 – 19 (cốt mũ: Thời Nanbokucho, thế kỷ 14), bảo vật gia truyền của gia đình Hisamatsu Matsudaira – lãnh chúa vùng Iyo Imabari.

Kiếm Hyogo - gusari thời Kamakura, thế kỷ 13, thứ vũ khí không thể thiếu của những chiến binh huyền thoại Samurai.
Gốm sứ Nhật Bản thời kỳ Edo (thế kỷ 17 – 18) mang đậm phong cách, tinh thần Nhật Bản. Trong ảnh là bình rượu vẽ sư tử và cúc dây thời Edo, giữa thế kỷ 17

Tượng phụ nữ trong trang phục Kimono được làm bằng chất liệu sứ Arita nhiều màu, phong cách Kakiemon, thời Edo, cuối thế kỷ 17. Đồ sứ Kakiemon có họa tiết tranng trí thưa thoáng, làm nổi bật nền men màu trắng sữa, chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Đĩa vẽ lá ngô đồng và văn quy bối thời Edo cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18

Bình hình ngọn lửa được làm từ gốm đất nung, thời Jomon, cách đây khoảng 4.500 năm nằm trong nội dung Đồ gốm cổ đại Nhật Bản. Ở thời Jomon, đồ gốm đất nung được sản xuất trên khắp Nhật Bản, không những phong phú về loại hình mà còn được chú trọng tới hình thức thẩm mỹ. Đặc trưng của đồ gốm đất nung Jomon là trang trí hoa văn xoắn thừng.

Tượng ngựa Haniwa được làm bằng gốm đất nung, thời Kofun vào thế kỷ 6
Ở Nhật Bản, các tác phẩm điêu khắc tượng Phật giáo được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là gỗ. Pho tượng Bổ Tát được chế tác từ khúc gỗ Judas nguyên khối, mang dấu ấn đặc trưng của điêu khắc tượng Phật từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 11
Vật dụng nghi lễ Phật giáo được trưng bày trong triển lãm
Đông đảo khách đến tham quan triển lãm