Việc Tập đoàn Bitexco đề nghị với tỉnh Quảng Ninh được "nhượng" quyền quản lý, khai thác dịch vụ du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trong 50 năm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Câu chuyện này đặt ra nhiều vấn đề khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ về một tư duy quản lý mới về di sản để phục vụ yêu cầu của sự phát triển. Các chuyên gia cho rằng, với Di sản văn hóa thế giới, cần một cách ứng xử phù hợp, thỏa mãn nhiều lợi ích.
Việc doanh nghiệp được nhượng quyền khai thác di sản, từ lâu đã không còn gì xa lạ ở một số nước trên thế giới như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Ai Cập… Ngay nước láng giềng Campuchia, khu Di sản thế giới Angkor Wat cũng được giao cho một doanh nghiệp quản lý khai thác và họ đã chứng minh được hiệu quả của cách làm này. Từ một nơi xảy ra nạn cướp cổ vật, cả thập kỉ không được kiểm soát, Angkor Wat đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Còn ở nước ta, Động Thiên Đường ở Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã được giao cho Công ty Trường Thịnh đầu tư khai thác du lịch, Doanh nghiệp Xuân Trường được đánh giá là đang quản lý và khai thác có hiệu quả Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình)… Tuy nhiên, mô hình quản lý tốt ở di sản này không có nghĩa là cũng sẽ tốt cho di sản khác.
Ý tưởng tìm một mô hình quản lý, khai thác có hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thực ra đã được tỉnh Quảng Ninh ấp ủ từ lâu. Bởi hơn ai hết, họ luôn trăn trở vì chưa khai thác hết tiềm năng do di sản mang lại. Sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn, đơn điệu, chưa giữ chân du khách… Việc quảng bá, giới thiệu Vịnh Hạ Long ra thế giới vẫn chưa có chiến lược, chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản. Nguồn thu từ vé tham quan trong năm ngoái chỉ chiếm gần 2% ngân sách của tỉnh là con số quá ít ỏi so với kỳ vọng.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lựa chọn mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là xu hướng tất yếu, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng thiên nhiên phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, là niềm tự hào, là tài sản chung của quốc gia và nhân loại, nên việc giao khối di sản ấy cho Công ty Bitexco hay bất cứ doanh nghiệp nào quản lý, khai thác thế nào, thời hạn bao lâu cùng những điều kiện ràng buộc để tránh tình trạng độc quyền, khai thác cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến yêu cầu bảo tồn di sản... là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Thực tế đó cho thấy, tỉnh Quảng Ninh với tư cách là chủ sở hữu trực tiếp của di sản, cần có một “đầu bài” riêng của mình. Đầu bài đó phải được sự tham vấn của UNESCO, của các tổ chức quốc tế, những nhà quản lý di sản có tên tuổi, kinh nghiệm để đưa ra được một phương án hài hòa lợi ích của nhiều phía một cách tốt nhất có thể.
Khi đề nghị nhượng quyền thu phí và quản lý, khai thác dịch vụ tại Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, Bitexco đặt ra mục tiêu phát triển nơi đây thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho Vịnh Hạ Long, hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp... để Hạ Long thực sự sôi động, lung linh và hấp dẫn. Đó là một ý tưởng rất đáng trân trọng.
Cái mới thường không dễ được chấp nhận ngay. Bởi đi theo đường mòn bao giờ cũng đơn giản và ít rủi ro nhất. Nhưng cái mới luôn nhân tố tích cực kích thích sự phát triển. Vì vậy, cần một thái độ hết sức khoa học, khách quan và một tinh thần biết lắng nghe của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để có một thái độ ứng xử phù hợp, đảm bảo yêu cầu đầu tư gắn với bảo tồn, quản lý và khai thác hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo hướng bền vững./.