Nghe phóng sự của PV VOV về vấn đề này
Tập đoàn Bitexco vừa trình đề án thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long tại tỉnh Quảng Ninh trong vòng 50 năm. Đây là doanh nghiệp đầu tiên làm việc với tỉnh Quảng Ninh sau khi tỉnh này kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng dự án nâng cao chất lượng dịch vụ tại Vịnh Hạ Long.
Dù là khu du lịch nổi tiếng nhưng nguồn thu của Vịnh Hạ Long chỉ chiếm 2% so với nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh trong năm qua. Thống kê này dựa trên số tiền 220 tỷ đồng tiền bán vé thăm quan năm 2013 mà ban quản lý Vịnh Hạ Long báo cáo. Đây chính là nguyên nhân để tỉnh xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tại Vịnh Hạ Long”, trong đó tính đến việc mời các đối tác ngoài tỉnh đến tham gia.
Tập đoàn Bitexco, đơn vị đầu tiên gửi đề án đưa ra mức phí nhượng quyền 3 năm đầu sẽ là 90 tỷ đồng, 3 năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Bitexco đưa ra viễn cảnh doanh thu du lịch từ Vịnh Hạ Long đạt ngưỡng 5 tỷ USD so với hiện tại là 10 triệu USD 1 năm.
Mặc dù mới là đề án và chưa nhận được sự chấp thuận của tỉnh Quảng Ninh, song sự việc này đã nhận được nhiều nhận định trái chiều từ phía các nhà quản lý, các chuyên gia cho rằng việc giao cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác và quản lý khu du lịch Vịnh Hạ Long cần phải có ý kiến và sự đồng thuận của người dân địa phương, do đây là di sản chung của cả quốc gia, thuộc sở hữu chung của mọi người dân Việt Nam mà tỉnh Quảng Ninh chỉ là cơ quan đại diện trực tiếp quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện Tổng cục Du lịch chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này. “Nhà nước phải đưa ra chính sách, công tác quản lý di sản, quản lý môi trường, đảm bảo an ninh trật tự nhưng đồng thời cũng cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể khai thác, hưởng lợi để tránh tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, trường hợp như ở Vịnh Hạ Long thì cũng phải hết sức cẩn trọng do đây là một di sản của cả thế giới.”
Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới nhưng sản phẩm du lịch ở đây rất nghèo nàn, không có điểm nhấn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, vì những tai tiếng trong việc đắm thuyền, bất hợp lí trong thu phí ngủ đêm trên vịnh nên một lượng không nhỏ khách du lịch hạng sang chuyển sang điểm dừng chân khác.
Về mô hình này ở Việt Nam thì chỉ có Động Thiên đường, một phần của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng Quảng Bình là đã được giao cho một doanh nghiệp quản lý và khai thác là Tập đoàn Trường Thịnh. Còn ở các nước có nhiều di sản như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Ai Cập,… thì mô hình này đã được áp dụng từ lâu.
Đồng ý với việc trên thế giới đã có nhiều mô hình di sản quốc gia được giao cho nhiều doanh nghiệp tư nhân khai thác, song PGS. TS. Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tỏ ra lo lắng: “Chúng ta chưa có một hệ thống hành lang pháp lý cho các đơn vị ngoài Nhà nước tham gia vào hoạt động quản lý di sản. Việc giao cho một doanh nghiệp tư nhân quản lý di sản Nhà nước sẽ khiến rất nhiều vấn đề nảy sinh. Do vậy, cần phải tạo ra được hành lang pháp lý phù hợp rồi mới tính đến các vấn đề khác.”
Ở góc độ di sản, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết, mặc dù Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh song đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, do vậy bất kì tác động nào tới Vịnh Hạ Long cũng cần được nhìn nhận hết sức thận trọng và thấu đáo. Ngoài ra, ý kiến của người dân, chủ thể của di sản cũng cần phải được chính quyền quan tâm, do họ chính là những đối tượng chịu tác động trực tiếp liên quan đến vấn đề xung quanh di sản./.