Sau 3 ngày diễn ra, tối 13/4, tại thành phố Tân Anh, tỉnh Long An, Liên hoan dân ca Việt Nam lần V - 2013 khu vực Nam Bộ kết thúc thành công tốt đẹp. Qua 5 lần tổ chức, Liên hoan Dân ca việt Nam trở thành điểm hội tụ của những bài ca, điệu múa vốn hình thành từ đời sống cộng đồng, phục vụ nhu cầu tinh thần nhân dân lao động qua sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giải trí từ nhiều đời nay.

Nhiều điểm mới

Được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần, Liên hoan dân ca Việt Nam trở thành điểm hội tụ của những bài ca, điệu múa vốn hình thành từ đời sống cộng đồng, phục vụ nhu cầu tinh thần nhân dân lao động qua sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giải trí từ nhiều đời nay.

lhdanca.jpg
Liên hoan dân ca Việt Nam lần V - 2013 khu vực Nam Bộ kết thúc thành công tốt đẹp (Ảnh:baoapbac.vn)

Liên hoan dân ca Việt Nam năm nay có điểm mới là mở rộng loại hình diễn xướng sang cả dân vũ và dân nhạc. Có nhạc nền, những điệu dân vũ, cùng dàn múa minh họa, sân khấu dân ca lung linh màu sắc, hấp dẫn hơn với người thưởng lãm. Băn khoăn của nhiều người quan tâm là các tiết mục tại liên hoan đều đã được dàn dựng, sắp đặt, hòa âm sẽ làm mất đi phần hồn của lối diễn xướng dân gian.

Về vấn đề này, nhạc sĩ Khánh Vinh – thành viên Ban tổ chức, phụ trách nội dung liên hoan cho rằng: “Dân vũ và dân nhạc là hai bộ môn nghệ thuật cũng đi song song với dân ca, vì người dân hát bao giờ cũng kèm theo nhạc và cũng dễ kèm theo những động tác múa. Từ múa thô sơ cổ xưa cho đến múa phức tạp cũng tiềm ẩn trong dân gian. Năm nay, BTC đã đưa hai thể loại mới này vào liên hoan, tôi cho là rất hay, mang lại những màu sắc rất mới mẻ, hấp dẫn cho sân khấu và chắc chắn là mang lại sự hấp dẫn cho người dân”.

Phải giữ chất dân gian

Các loại hình diễn xướng dân gian khu vực Nam bộ chưa được giới chuyên môn quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Công trình quan trọng nhất hiện đang được đang được nhiều địa phương sử dụng là của hai vợ chồng nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Còn tại địa bàn dân cư, nhiều loại hình đang mai một và nhiều loại hình khác gần như đã hoàn toàn biến mất trong sinh hoạt làng xã Nam bộ từ hàng chục năm nay. Cụ thể như thể loại hát ru, nói thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, hò đối đáp, hò chèo ghe…

Nghệ nhân Út Bến Hải đến từ tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôi sưu tầm 22 bài, đem tới viện bảo tàng, tòa soạn báo Bạc Liêu và đề nghị bằng mọi cách với chức năng của mình phải bảo tồn thơ Bạc Liêu. Bởi vì thơ Bạc Liệu một thời vang bóng trong 2 cuộc kháng chiến và nó đi vào lòng người. Gần đây không phát huy được nên người trẻ ít biết”.

 Với qui định về bài bản dân gian và nghệ nhân dân gian không được lặp lại ở các kỳ tiếp theo nên để chuẩn bị cho liên hoan lần sau, một số địa phương Nam bộ đã có những động thái tích cực đầu tư hoạt động sưu tầm và nhân rộng lực lượng nghệ nhân.

Chị Mỹ Dung – Chuyên viên Văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết: “Cần Thơ cũng rất quan tâm vấn đề sưu tầm, bảo tồn và phát huy loại hình dân ca truyền thống, đặc biệt là chỗ đơn vị Trung tâm văn hóa thành phố cũng đã mở nhiều lớp hát dân ca cho quần chúng nhân dân yêu thích đến tập để hát. Và đặc biệt là trong những hội thi, hội diễn của thành phố mấy năm trở lại đây trong thể lệ có qui định về hát dân ca. Ví dụ gần nhất là liên hoan ca cổ ca nhạc tiểu phẩm xuân 2013 có qui đinh phải có tiết mục hát dân ca...”     

Như vậy, qua các lần tổ chức, liên hoan đã tạo thêm động lực để các tỉnh, thành quan tâm hơn đến công tác bảo tồn và phát triển những đặc sản văn hóa phi vật thể rất quí giá của địa phương mình. Tuy nhiên, để trả lại vẻ đẹp phần hồn cho dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đời sống cộng đồng, các nhà nghiên cứu cho rằng, liên hoan không thể dừng ở việc tổ chức qui mô như hiện nay mà phải tác động tích cực hơn tới tận địa bàn làng xã là cái nôi của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Thạc sĩ – nhạc sĩ Huỳnh Khải – Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng nghệ thuật liên hoan đề xuất ý kiến: “Đừng quan niệm dân ca là phải có dàn nhạc có phối khí 5, 7 cây đàn lên. Ví dụ nói thơ Vân Tiên không cần cây đàn gì hết chỉ cần nói trước đèn  như hát cho con ngủ bình thường. Phải trở về cái dân gian bình thường chứ không cần ngân nga dài dòng gần như nói lối của cải lương. Những bản nhạc phối lên, múa minh họa rất rôm rả nhưng nó lại không còn dân dã nữa mà mục tiêu của Liên hoan dân ca là tìm chất dân dã. Sưu tầm thì không chỉ một đơn vị, cá nhân nào có thể làm được, sự nghiệp này phải là chung của  công chúng…. ở khu vực phía Nam nên hình thành các câu lạc bộ hát dân ca…”.

Liên hoan dân ca Việt Nam 2013 khu vực Nam Bộ kết thúc vào 13/4. 14 tiết mục xuất sắc nhất tại liên hoan sẽ tham gia vào vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 sắp tới. Với những nỗ lực của các đơn vị thực hiện, liên hoan đã và sẽ góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian, cũng như làm phong phú thêm cho hình thức biểu diễn./.