bich%20van.jpg
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (thứ nhất, bên trái) cắt băng khai mạc một triển lãm của Bảo tàng (ảnh: Thanh Huyền/Làng Việt)

Mới đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được du khách nước ngoài đánh giá là “điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Nội năm 2012”. Bên cạnh niềm vui nhận được giải thưởng quý giá này, Bảo tàng sẽ tiếp tục có những định hướng, chính sách đổi mới cách trưng bày và nguồn nhân lực như thế nào để xứng đáng với phần thưởng quan trọng đó. Nhân kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam về vấn đề này:

PV: Thưa bà! Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhận được giải thưởng “Điểm du lịch hấp dẫn nhất Hà Nội năm 2012”.  Bà có cảm nghĩ như thế nào ?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân:Khi nhận được chứng chỉ là một trong những điểm du lịch đáng đến nhất ở Thủ đô Hà Nội chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Điều này rất quan trọng vì trong quá trình đổi mới bảo tàng hiện nay, không phải dễ dàng chúng ta có thể làm 1 bảo tàng từ chỗ mọi người chưa biết đến mà trở thành 1 điểm nổi tiếng như vậy.

Quá trình này phải mất từ 7 đến 10 năm, vì vậy, chúng tôi thấy đây là sự đánh giá đúng mức, nó ghi nhận được kết quả sự phấn đấu nỗ lực âm thầm của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thời gian dài vừa qua.

PV:Vậy thời gian qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động gì để đổi mới, nâng cấp trưng bày cũng như đào tạo nguồn nhân lực ?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân:  Đó là kết quả của quá trình chỉnh lí, đổi mới và nâng cấp hệ thống trưng bày thường xuyên. Chúng tôi phải bắt đầu 2002, 2003 cho đến 2010 mới hoàn thành công cuộc chỉnh lí, đổi mới và nâng cấp bảo tàng. Bên cạnh việc cho ra đời hệ thống trưng bày thường xuyên mới và hiện đại, giàu bản sắc của một bảo tàng giới, thì bảo tàng cũng cố gắng thay đổi từ nhận thức, tư duy trong phương pháp tiếp cận những nội dung trưng bày mới.

Từ triển lãm Gánh hàng rong 2008, Tín ngưỡng thờ mẫu, Những người bị bạo lực gia đình, …chúng tôi đều hướng đến những người phụ thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Thông qua bảo tàng để cho họ nói lên tiếng nói của họ, giúp xã hội hiểu hơn, chia sẻ hơn với những người phụ nữ khó khăn có hoàn cảnh đặc biệt.

Gánh hàng rong - một triển lãm ấn tượng của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trong suốt hơn 7 năm vừa qua, cán bộ nhân viên bảo tàng vừa theo học, vừa làm cùng một nhóm chuyên gia Pháp. Chúng tôi còn thay đổi chất lượng phục vụ, quan tâm đến từng người khách một, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách. Hàng tháng chúng tôi có một bộ phận phân tích những ý kiến, những phản hồi của khách tham quan những mặt gì được và chưa được để từ đó mình tiếp thu và phục vụ tốt hơn. 

PV: Trong thời gian tới, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam sẽ có những chiến lược phát triển như thế nào để ngày càng thu hút khách đến tham quan?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân:  Sắp tới, chúng tôi sẽ đón nhận nhiều tour du lịch cũng như các đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Bản thân đội ngũ cán bộ của bảo tàng sẽ phải học hỏi thêm kinh nghiệm và ngoại ngữ.

Trong chiến lược sắp tới, tất cả những triển lãm ra mắt công chúng phải đạt chất lượng ít nhất là bằng chất lượng của hệ thống trưng bày và đó cũng là yêu cầu bắt buộc mà chúng tôi học được ở các chuyên gia. Ngoài ra, chúng tôi sẽ quan tâm đến việc sưu tầm những hiện vật quý, đặc biệt có giá trị về phụ nữ Việt Nam.

PV:Xin cám ơn bà./.