Theo Quy hoạch được phê duyệt, phạm vi quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La bao gồm: Khu vực di tích Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La và 2 điểm di tích độc lập là Di tích cây đa Bản Hẹo – nơi liên lạc của Chi bộ Nhà tù Sơn La và Di tích Mó nước – điểm lấy nước dưới suối Nậm La của tù nhân Nhà tù Sơn La trước đây, nay thuộc khu vực Ao cá Bác Hồ tại phía Bắc của Quảng trường Tây Bắc.
Một góc nhà tù Sơn La nhìn từ trên cao xuống. |
Tổng diện tích lập quy hoạch là 32,3 ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La để trở thành điểm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; Xây dựng khu vực đồi Khau Cả thành công viên lịch sử - văn hóa, địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn gắn với các giá trị của di tích và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch địa phương…
Thời gian thực hiện Quy hoạch là từ năm 2019 đến năm 2030, phân thành 3 giai đoạn: 2019 – 2020; 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác theo quy định. Trong đó, thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn, phát triển, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của trung ương, địa phương. Nội dung quy hoạch chủ yếu gồm: Phân khu chức năng; quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan; hạ tầng kỹ thuật; giải pháp phát triển du lịch…
Căn phòng biệt giam duy nhất nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu. |
Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La làm nơi giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng. Thế nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào...
Đặc biệt, nhà tù Sơn La chính là nơi yên nghỉ của đồng chí Tô Hiệu, người lãnh tụ kiên cường và bất khuất của cách mạng Việt Nam trong thời gian bị giam cầm ở đây. Nhiều năm nay, Nhà tù Sơn La đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La có ý nghĩa rất quan trọng, giúp địa phương có thêm điều kiện quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương ở tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện để Quy hoạch được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ./.