Làng cổ Đường Lâm có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Nhưng việc biến cơ hội thành hiện thực không phải dễ dàng, càng không thể trong một sớm, một chiều. Để người dân làng cổ Đường Lâm không còn phải sống khổ trong chính ngôi nhà của họ, rất cần những giải pháp linh hoạt, đồng bộ và thiết thực

Người dân thiếu nhận thức khi làm du lịch

Cơ hội để người dân làng cổ Đường Lâm làm du lịch đã có nhưng không nhiều gia đình nắm bắt được cơ hội ấy. Cả làng Mông Phụ với hơn 600 gia đình, hiện chỉ có gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (chủ ngôi nhà cổ 400 tuổi tại đây) là thực sự sống được bằng dịch vụ du lịch. Nhưng ông Hùng vẫn không khỏi băn khoăn: "Trong một vài năm vừa rồi, làng cổ Đường Lâm chưa được công nhận, phát triển du lịch còn chậm. Một số người bức xúc vì thường sống trong di tích thì hưởng di tích đó, nhưng người dân vẫn chưa được tuyên truyền cụ thể để làm du lịch tốt hơn. Nhận thức trong cách làm du lịch của người dân Đường Lâm vẫn còn chậm".

mua_gat_o_lang_co_duong_lam_7_ofgz.jpg 

Nhận thức của người dân là một trong những lý do gây khó khăn trong việc

phát triển du lịch toàn diện tại làng cổ Đường Lâm (ảnh: Hà Thành)

Ngôi nhà của gia đình ông Hà Văn Vĩnh được xây dựng năm 1853, là 1 trong 5 công trình thuộc dự án “Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại làng cổ Đường Lâm" từng được UNESCO trao giải Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013. Ông Vĩnh cho biết, ngôi nhà bằng gỗ này của tổ tiên ông để lại và đến ông là đời thứ 7 sống tại đây. Ngôi nhà thu hút nhiều du khách đến thăm, nhưng hiện tại chỉ có vợ chồng ông đều trên dưới 70 tuổi sống trong nhà nên không thể phục vụ ăn uống cho khách du lịch được”.

Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích Đường Lâm, Ban quản lý cũng đã tổ chức cho người dân đi thăm quan nhiều điểm di tích trong cả nước như Bát Tràng, Mai Châu… để học tập kinh nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, nhưng chuyển biến trong nhận thức của người dân còn chậm. Hơn nữa, vấn đề còn ở sự hỗ trợ của Nhà nước cho người dân chuyển đổi cơ cấu từ làm nông nghiệp sang làm du lịch.

Hầu hết, những con đường ở làng cổ Đường Lâm đã được lát gạch sạch sẽ, nhưng “tiềm thức” về lối sống nông thôn vẫn khiến cho những con đường này chưa thực sự trở nên văn minh. Bên cạnh đó, vẫn thiếu hệ thống bảng biểu chỉ dẫn, các bài viết bằng tiếng Việt bằng tiếng nước ngoài, để giới thiệu về những điểm di tích nổi bật trong làng... Điều này cho thấy cách thức làm du lịch tại đây vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Khó khăn trong cả cơ chế quản lý

Điều khó khăn nhất đối với việc bảo tồn và phát huy di tích làng cổ Đường Lâm còn ở chính quan niệm về bảo tồn di sản. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích Đường Lâm không khỏi băn khoăn về cách thức gìn giữ làng cổ Đường Lâm, một di sản sống với với 1.500 hộ dân và 6.000 người dân đang sinh sống với nỗi lo "cơm áo, gạo tiền...".

Người dân trước đây muốn xin được giấy phép xây dựng, phải lên tận Bộ VHTT&DL rồi tới Sở Xây dựng, được UBND thành phố Hà Nội ủy quyền với biết bao thủ tục... Hơn 200 hộ đã cải tạo nhà tại xã Đường Lâm song không có ai thực hiện được đúng theo Luật di sản văn hóa, do thủ tục xin giấy phép phức tạp. Vì thế, từ tháng 6 này, Thị xã Sơn Tây sẽ là đơn vị cấp phép xây dựng cho các hộ dân ở làng cổ Đường Lâm để tạo thuận lợi cho người dân.

  

Thủ tục xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở làng cổ Đường Lâm vẫn còn

phức tạp (ảnh: Mai Hồng)

Một số công trình đang xuống cấp như đình Cam Thịnh trong nguy cơ sắp sập, thành phố đã duyệt 15 tỷ đồng tu bổ nhưng không thể giải ngân. Lý do là vì làng cổ này không nằm trong 16 di tích do Hà Nội quản lý, nên không được nhận 100% vốn tu bổ. Thành phố chỉ cho 60%, còn lại thị xã Sơn Tây phải lo. Trong khi, thị xã chỉ tương đương cấp huyện, mỗi năm thu được hơn trăm tỷ nên không đủ tiền cho hoạt động tu bổ

Làng cổ Đường Lâm được công nhận di tích quốc gia từ năm 2005, nhưng đến ngày 7/3 năm nay, UBND thành phố Hà Nội mới công bố Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm. Như vậy, người dân Đường Lâm đã phải chờ đợi quy hoạch này tới 10 năm. Cùng với việc công bố quy hoạch, một năm qua, nơi đây cũng đã có một số chuyển biến trong công tác quản lý di tích. Đó là việc thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đường Lâm. Thành phố cũng phê duyệt đề án hỗ trợ kinh phí cho người dân Đường Lâm, trong đó hỗ trợ cho di tích xuống cấp, các công trình dân sinh, công bố khu giãn dân Đường Lâm, hỗ trợ người dân Đường Lâm chuyển dịch từ nông nghiệp sang du lịch...

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Sơn còn chỉ ra những việc cần làm lúc này, để có sự chuyển biến tích cực hơn nữa cho cuộc sống của người dân làng cổ Đường Lâm. Trước hết, đó là việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật di sản cho làng cổ. Thứ hai là phải có chính sách cụ thể để giúp cho người dân sống trong di tích. Chỉ khi người dân thấy có lợi khi sống trong di tích, thì họ mới chung sức giữ di tích. Thứ ba phải để người dân thực sự là chủ thể của di tích, tự quản lý di tích.

Không thể bảo tồn một cách “máy móc”

Với làng cổ Đường Lâm, việc bảo tồn di sản cũng cấp thiết tương tự như việc đảm bảo đời sống của người dân. Để bảo đảm song song cả lợi ích quốc gia là bảo tồn di sản và lợi ích của người dân, theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cách bảo tồn di sản cần linh hoạt, sáng tạo và bám sát thực tiễn: “Việc bảo tồn di sản Đường Lâm không đòi hỏi một cách nghiêm ngặt nghiêm ngặt như một di tích đơn lẻ. Chúng ta phải quan tâm đến cấu trúc không gian, đến cảnh quan sinh thái là hàng đầu và những di tích có giá trị nổi bật ở trong đó, chứ không áp dụng một cách máy móc tất cả các ngôi nhà trong làng cổ Đường Lâm. Ở đây, cần nhất là xây dựng mô hình bảo tồn di sản và du lịch cộng đồng để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Bảo tồn làng cổ Đường Lâm cần song song giữa lợi ích quốc gia là bảo vệ di sản 

và lợi ích của người dân (ảnh: Hà Thành)

Điều quan trọng nhất là theo các chuyên gia, Đường Lâm cần tìm hướng đi phù hợp cho việc chuyển đổi kinh tế. Đường Lâm vốn là làng cổ thuần nông. Việc thay đổi cơ cấu kinh tế để làm du lịch, để người dân có lợi là cần thiết nhưng cần tránh việc biến Đường Lâm thành... phố thị. PGS Đặng Văn Bài cho rằng, nên học tập mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp là làng rau Trà Quế của Hội An. Khách du lịch đến Hội An sẽ được trải nghiệm "làm nông dân", được ăn các sản phẩm nông nghiệp sạch và mua các sản phẩm rau sạch, rau đặc sản từ làng Trà Quế về làm quà.

Khách tham quan đến Đường Lâm có thể trải nghiệm việc trồng rau, trồng lúa... và mua sản phẩm. Vấn đề đặt ra là hướng dẫn người dân chọn lựa giống cây trồng và cách làm như thế nào cho hấp dẫn. Riêng việc phát triển sản phẩm chăn nuôi ở Đường Lâm rất thuận lợi vì có sản phẩm nổi tiếng là giống gà Mía.

Nếu được tổ chức tốt, làng cổ Đường Lâm sẽ hình thành "dây chuyền" cung ứng sản phẩm du lịch. Hộ gia đình có nhà cổ đẹp chuyên cung cấp dịch vụ tham quan, các hộ gia đình khác cung ứng thực phẩm, quà tặng cho khách du lịch./.