Như VOV.VN đã phản ánh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa đưa ra ý tưởng bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân để cho người dân đến thưởng thức và đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh phí. Theo đó, nguồn kinh phí bắn pháo hoa 100% từ xã hội hóa.

Nhiều độc giả tỏ ra ngỡ ngàng với đề xuất này của Sở VHTT&DL Hà Nội và nêu ý kiến không đồng tình việc bắn pháo hoa thường xuyên trên cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á này.

Không cần thiết khi đất nước còn khó khăn

Độc giả Trương Khắc Tình (truongkha…@gmail.com) bức xúc: “Đây là cây cầu chứ không phải công viên. Không nên bắn pháo hoa thường xuyên, tốn kinh phí. Chúng ta hãy vì những người đang khó khăn. Với họ, một bông pháo bắn lên để chúng ta xem có thể họ mua được gạo ăn trong gần 1 năm”.

12_smvn_eeeo.jpgCầu Nhật Tân. Ảnh: Quang Trung

Đồng quan điểm với độc giả Trương Khắc Tình, độc giả Vudinhlieu (dinh…@gmail.com) cũng cho rằng việc bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân không cần thiết: “Cầu Nhật Tân là một chiếc cầu đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng “việc bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân” có thay đổi được gi khi đất nước còn nghèo, còn rất nhiều nơi bà con, trẻ thơ phải lội nước, đu dây như “người nhện” qua sông để qua sông học cái chữ và mưu sinh. Có nên không khi còn rất nhiều trẻ thơ bệnh tật mà bố mẹ chúng không đủ tiền để chữa trị? Có nên không khi còn rất nhiều nơi người dân còn không có nước sạch để dùng...”

Độc giả ở địa chỉ email cute…@yahoo.com) khẳng định rằng chẳng nơi nào trên thế giới bắn pháo hoa thường xuyên: Đất nước chưa giàu đã lo ăn chơi. Tiền xã hội hóa hay tiền ngân sách Nhà nước thì cũng là tiền. Trong khi còn biết bao nơi dân không có cầu đi phải “làm xiếc” khi qua sông suối.

“Bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu trẻ em, học sinh nghèo vượt khó sao không dùng tiền để khuyến khích các em, lại nghĩ ra việc bắn pháo hoa thường xuyên? Tôi thấy nhiều trẻ còn đang thiếu đói không có điều kiện đi học đầy đủ, bao nhiêu người cần giúp đỡ, sao không quan tâm đến họ? Các nước giàu nhất trên thế giới một năm họ bắn pháo hoa bao nhiêu lần?”, đây là ý kiến của độc giả ở địa chỉ email luongh…@gmail.com).

Độc giả Hà (ngohab…@gmail.com) cũng cho rằng: Việc bắn pháo hoa thường xuyên là không nên làm, vì lãng phí. Hãy giải quyết đói “cái bụng” cho dân nghèo trước rồi thỏa mãn đói “con mắt” sau.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo nhiều độc giả, việc bắn pháo hoa thường xuyên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi hàng trăm, hàng nghìn người dân đổ về điểm cầu Nhật Tân để thỏa mãn “thú vui thị giác”. Độc giả Nguyễn huy Đức (nguyenhuy…@gmail.com) nêu ý kiến: Tôi nghĩ đừng bao giờ bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Hàng trăm nghìn người đổ về chiêm ngưỡng cầu to rộng mấy cũng trở thành chật hẹp. Khi xảy ra sự cố, hàng nghìn người dẫm đạp dầy xéo lên nhau chạy thoát thân. Chuyện gì xảy ra ngành chức năng phải biết, kinh nghiệm các nước đã có rồi.

Nhiều độc giả cho rằng chỉ nên tổ chức bắn pháo hoa vào dịp lễ hội - festival 

“Tôi thấy việc bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân là không cần thiết vì chẳng đem lại ý nghĩa gì mà lại kéo theo nhiều phức tạp liên quan. Hãy nghĩ một việc gì thiết thực hơn chứ đừng ngẫu hứng như vậy”, độc giả Lê Duy Huấn (lehua…@gmail.com) bày tỏ.

Còn theo độc giả Nguyen (bachng…@yahoo.com), cầu là để đi lại, bắn pháo hoa làm ảnh hưởng giao thông và gây ô nhiễm không khí.

Độc giả nguyen van xuyen (xuye…@gmail.com) cho rằng: “Ở Hà Nội còn bao thứ cần đầu tư, lực lượng công an phải dầm mưa dãi năng để điều hành giao thông sao cho khỏi tắc đường và còn nhiều thứ cần đầu tư và phải làm. Ấy vậy mà Sở VHTT&DL Hà Nội đưa ra đề xuất này?”

Độc giả Andy Nguyen (andyd…@gmail.com) nêu ý kiến: “Chỉ nên tổ chức bắn pháo hoa vào dịp lễ hội - festival hàng năm như Đà Nẵng đã làm”.

Dự kiến hôm nay (22/1), Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ trình bày rõ hơn về ý tưởng này với UBND thành phố Hà Nội. Sau đó, thành phố mới có quyết định chính thức về việc này./.