"Chúc cho ước mơ của cả lớp sớm thành hiện thực, trừ bạn Việt ra."
Câu trích dẫn ở đầu tiên kia, thầy giáo chủ nhiệm ba năm cấp 3 của tôi đã nói như thế, cũng vào khoảng thời điểm này của vài năm về trước. Khi một ngày tình cờ cả lớp viết ước mơ ra giấy, gập lại và gom vào nhau, rồi sau đó từng tờ được mở ra và đọc to lên trước lớp, tôi đã đỏ mặt ngượng ngùng khi ước mơ của chúng bạn là những điều đẹp đẽ.
Đó là: "Đỗ đại học", "Lương tháng sau này", "Công việc sau này"... Tôi cũng không nhớ chi tiết. Mà nếu giờ còn nhớ thì câu chuyện lại trở nên hư cấu rồi, bởi lúc đó tôi chỉ nghĩ tới tôi thôi. Khi ước mơ của chúng bạn đẹp đẽ như thế, tôi ngượng chín khi đọc tới lượt mình, ước mơ: "Trở thành người bố tốt".
Cả lớp cười, trừ tôi.
Tôi đã dự đoán được điều đó kể từ khi thầy giáo cầm tờ giấy đầu tiên lên đọc. Nhưng có những điều tôi không đoán được, một trong số đó là sau khi đọc hết, thầy chủ nhiệm của tôi nói lên câu trên và thêm rằng: "Chúc cho ước mơ của cả lớp sớm thành hiện thực, trừ bạn Việt ra".
Cả lớp cười, lần này, tôi cũng cười.
Tôi chẳng hiểu sao sau đó cứ văng vẳng trong đầu mãi một câu trong Chí Phèo của Nam Cao: "Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt".
Đời mình như hoa thơm, như bướm lượn, như gió thoảng qua mái đình, như mây lờ lững trôi... nhưng đôi khi, cũng có những ngày đắng ngày cay, mà tới giờ mỗi khi nhớ về lại mang nhiều hoài niệm rất riêng, rất lạ.
Chuyện chẳng có gì đau lòng, đời ai chẳng có những lúc bị vùi dập như thế, không lúc này thì lúc khác. Nhỉ? Rồi thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn qua, nhưng chắc giờ, một số bạn bè mình đã đỗ đại học, đã đi làm gì đó, đã đạt được ước mơ ngày đó rồi. Rồi xong họ lại mơ gì nữa nhỉ?
Còn tôi nghĩ mình cũng chỉ còn ước mơ kia đem theo đến cuối đời thôi. Kể ra thầy giáo nói đúng lắm chứ, ước mơ của tôi thuộc vào loại phải phấn đấu theo đuổi cả đời không ngơi nghỉ, làm sao mà sớm thành hiện thực được.
Nhưng "Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh". Nói thế thôi, đó là văn học, đôi khi thậm xưng và phô trương, đời thường khác nhiều lắm./.