Tôi là con gái út trong gia đình có 4 anh trai. Bao quan tâm, săn sóc, bố mẹ và các anh đều dồn hết cho tôi. Cuộc sống của tôi toàn sự yêu chiều, nâng niu từ nhỏ cho tới ngày tôi bước chân về nhà chồng.
Tôi và anh yêu nhau từ năm tôi học đại học năm cuối. Tôi vốn là gái tỉnh lẻ nên luôn có suy nghĩ mình sẽ lấy một người chồng ở tỉnh lẻ để dễ có sự cảm thông, chia sẻ. Quả thực, 3 năm yêu nhau, tôi luôn được anh chia sẻ, chăm sóc, động viên những lúc khó khăn trong cuộc sống, công việc.
Và hơn tất cả, hai chúng tôi rất độc lập về tài chính. Dù yêu nhau lâu như vậy nhưng chưa một lần tôi kêu hết tiền hoặc ngược lại. Thời gian yêu nhau, tôi cũng có một vài lần được anh đưa về quê thăm bố mẹ anh. Gia cảnh của anh ở quê cũng bình thường như bao gia đình khác.
Dù sống ở vùng nông nghiệp nhưng bố mẹ anh luôn tỏ ra khá an nhàn, không “một nắng hai sương” như cha mẹ tôi ở quê nhà. Lúc ấy tôi cũng không mấy quan tâm là sao hai bác không làm đồng áng như những người nông dân khác, vả lại, thời gian anh ở nhà cũng chớp nhoáng nên tôi không vướng bận nhiều về chuyện này.
Tôi ra trường được 3 năm thì chúng tôi tổ chức đám cưới. Ngày tôi về nhà chồng, các anh trai, chị dâu nắm chặt tay tôi dặn dò phải sống hiếu thuận với cha mẹ chồng. Tôi hạnh phúc rơi nước mắt vì mình đã lấy được người mình yêu, lại là mối tình đầu. Bạn bè, người thân đều chúc phúc cho tôi.
Sau đám cưới, tôi không ở với bố mẹ chồng, vì công việc của hai vợ chồng tôi đều ở thành phố. Chúng tôi quyết tâm phải mua được gian nhà, gian cửa, dù chỉ là chung cư cũ thì mới sinh con. Vay mượn, tích cóp, sau vài lần mua đi, bán lại, vợ chồng tôi cũng mua được căn nhà rộng hơn 3 chục mét, xây lên 4 tầng.
Cùng thời gian này tôi sinh cháu gái đầu lòng. Suốt thời gian tôi nghỉ sinh, mẹ anh lên thăm cháu được 1 lần vào ngày đầy tháng con gái tôi. Tôi thấy ấm ức, so sánh con mình với những đứa cháu, con của các anh trai tôi.
Cả nhà tôi ai cũng hân hoan, vui mừng. Ngày nào nhà bà đẻ cũng có cả chục lượt người lui tới thăm nom. Còn tôi, chỉ có hai vợ chồng, mà gần như là chỉ một mình tôi chăm con. Chồng tôi đi làm từ sáng tới khuya mới về nhà. Thấy anh mệt mỏi, đêm con khóc tôi không nỡ thức anh dậy để bế đỡ.
Cuộc sống nếu chỉ như vậy thì tôi chẳng có gì phải phàn nàn vì mọi việc mình chỉ cố gắng một chút là ổn. Nhưng bỗng đâu, chồng tôi nảy sinh ý định buôn cây cảnh. Anh đổ cả tỷ đồng tiền vốn mua cây cảnh ở Thái Bình, Nam Định về Hà Nội bán. Nhưng mọi việc không suôn sẻ, cây cảnh không bán được, tất cả thành cỏ rác, làm củi cũng không xong. Sau cuộc đổ bể ấy anh bảo, anh phải đi công tác xa, phải đi trông công trường ở một tỉnh miền núi xa lắc, xa lơ.
Ở quê lúc này, bố mẹ chồng tôi liên tục gọi điện thoại muốn lên Hà Nội sống cùng vợ chồng tôi. Đến lúc này, bà mẹ chồng mới nói thật là nhiều năm rồi ông bà đi vay để chi tiêu cuộc sống. Tôi hỏi: Nhà mình nhiều ruộng vườn, sao mẹ không trồng cấy gì mà phải đi vay mượn nhiều thế?”, bà bảo: “Mẹ ốm đau, vay tiền để chữa bệnh chứ đâu có ăn uống gì”.
Chồng tôi, từ lúc buôn bán thua lỗ, công việc ở công ty cũng thui lụi dần. Tiền nong từ lúc cưới nhau tôi cũng chưa bao giờ hỏi. Mọi chi tiêu trong gia đình tôi đều căng lên để chi trả, vì tôi nghĩ chồng mình đang ấp ủ những kế hoạch làm ăn lớn.
Nhưng giờ, bố mẹ chồng tôi một mực đòi lên ở cùng, con gái đi học phải đóng góp nhiều khoản… một mình tôi không thể cáng đáng nổi nữa. Tôi nói với anh hãy chia sẻ với vợ để lo cho bố mẹ và con, còn tôi thì tự lo được cho mình. Nhưng anh bảo: “Giờ thân anh cũng chẳng tự lo cho mình được”.
Cả tháng anh mới về nhà được một lần. Có lần về tôi còn phải trả tiền xe ô tô cho anh đi. Bố mẹ chồng thì đã dọn lên ở hẳn với mẹ con tôi. Bà vốn không thích lao động nên về ở với tôi cái nhà cũng không quét được. Lại kêu ở thành phố chật hẹp, oi ả, bức bối.
Có lần bà cầm cây chổi quét mấy cái, đến chiều đã kêu oai oái là đau lưng. Tôi nén lòng bảo: “Chơi quen chứ làm không quen đâu mẹ ạ. Mẹ cứ ngồi nghỉ đi cho con nhờ”. Còn bố chồng tôi thì khỏe chân, mạnh tay hơn. Hàng ngày, ăn cơm ở nhà tôi rồi ông sang làm giúp cho cậu trai út, những mong nó chia sẻ trách nhiệm nuôi cha mẹ với chị dâu. Nhưng có lẽ cô em dâu quá ghê gớm nên ông sang đó làm 3 tháng rồi mà vợ chồng cậu ấy không một lần mời ông bà sang nhà chơi.
Lương của tôi, trước kia chỉ lo cho 2 mẹ con giờ đã san làm 4. Khi trước, cuối tuần tôi đưa con đi chơi và ăn những món quà con thích, còn bây giờ những thứ đó trở nên quá xa xỉ, tôi không dám nghĩ đến.
Phận làm dâu tôi không dám hỗn hào với cha mẹ, nhưng sức người có hạn, một mình tôi không thể nuôi 4 miệng ăn một lúc. Rồi tôi cũng phải lo cho tương lai của con mình nữa. Nhiều lúc, tôi muốn sinh thêm cho nó 1 đứa em nhưng nghĩ đến “đoàn tàu” đang kéo mà tôi không dám nghĩ tiếp. Tôi phải làm sao bây giờ? Vì mới hôm qua mẹ chồng tôi bảo: “Giờ ở đây mẹ thấy quen rồi, ăn uống ngon miệng hơn con ạ”!/.