Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình.

1_ewoe.jpg
Ảnh minh họa

Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Cha mẹ nhận định nguy cơ và giải pháp an toàn cho trẻ” do chuyên trang daycon.com.vn tổ chức đã phối hợp với các chuyên gia làm rõ hơn về nguy cơ, hậu quả của việc trẻ em bị xâm hại tình dục, những vấn đề mà phụ huynh đang vướng mắc, đưa ra các giải pháp và hướng dẫn phụ huynh trang bị cho con các kỹ năng phòng tránh.

Nhiều phụ huynh còn chưa hiểu rõ khái niệm thế nào là xâm hại tình dục

Ông Trần Thành Nam- Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên 

Theo ông Trần Thành Nam- Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên, xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), động chạm đều có thể được xem là xâm hại tình dục.

Ông Nguyễn Trọng An- Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng, hiện nay, ngay bản thân các bậc cha mẹ cũng chưa nhận biết được nguy cơ cao con mình sẽ bị xâm hại. Bản thân các em chưa được nhà trường và cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

Cũng theo ông An, vấn đề xâm hại tình dục ở nước ta theo báo cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", cho nên xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội rất nặng nề, cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm để bảo vệ trẻ em.

Nhận diện nguy cơ dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em

Theo đánh giá, 93% nghi can phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của cha mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…

Tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ở cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Tội phạm bây giờ không phải chỉ xâm hại trực tiếp mà còn xâm hại gián tiếp như dẫn dụ nạn nhân, làm quen qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt…Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con.

Theo chuyên gia Nguyễn Đoàn, thông thường khi các con ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu nảy nở, phát triển giới tính thì cha mẹ mới nghĩ đến việc con có thể bị xâm hại tình dục nhưng trên thực tế, các con dưới 9 tuổi cũng có thể bị xâm hại tình dục.

Các khách mời tham dự tọa đàm (từ trái qua): Ông Trần Thành Nam- Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và Vị thành niên, chuyên gia giáo dục Nguyễn Đoàn, ông Nguyễn Trọng An- Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em

Có một thực tế là khi các con đối diện với hành vi xâm hại tình dục, các con tâm sự với cha mẹ thì nhiều người coi chuyện đó là chuyện bình thường và phớt lờ đi. Vấn đề quan trọng là cha mẹ nhận thức như thế nào về nguy cơ xâm hại tình dục mà con sắp gặp phải, ông Đoàn nói.

Ông Trần Thành Nam cho rằng, chúng ta thường hay bao biện cho hành vi xâm hại bằng những từ như trêu ghẹo, tán tỉnh nhưng trên thực tế đấy chính là xâm hại. Khi người lớn xem nhẹ các hành vi đó, coi đó là trêu ghẹo hoặc tán tỉnh thì vô hình chung đứa trẻ chấp nhận một chuẩn mực là nó có thể làm điều đó với những người khác và ngược lại mà không sợ gì cả.

Hậu quả của việc bị xâm hại tình dục đối với trẻ em, gia đình và xã hội

Xâm hại tình dục trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý đối với trẻ em và gia đình do đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và đôi khi chính nạn nhân lại trở thành thủ phạm sau này.

Theo ông Nguyễn Đoàn, nạn nhân bị xâm hại tình dục có thể bị khủng hoảng, sang chấn về tâm lý. Điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nhân cách đứa trẻ. Thậm chí, nhiều cha mẹ khi con bị xâm hại vẫn tìm cách giấu giếm, còn những kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ. Những người bị xâm hại cũng không mạnh dạn tố cáo những kẻ phạm tội.

Hậu quả là những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ ảnh hưởng đến hành vi, đến kết quả học tập, ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè đồng giới hay khác giới. Có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị ám ảnh, sợ sệt khi lập gia đình, ông Đoàn nói.

Song song với tổn thương tâm lý dai dẳng, nặng nề thì tổn thương về mặt thể chất ngay lập tức (đối với hành vi hiếp dâm, giao cấu) cũng cần được can thiệp ngay, ông Nguyễn Trọng An nói.

Để kịp thời phòng ngừa nạn xâm hại tình dục trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho rằng về mặt xã hội và các quy định của pháp luật còn có lỗ hổng.

Thứ nhất, về mặt xã hội, cần trang bị kiến thức cho các bậc cha mẹ và các em nhỏ. Ngay bản thân các bậc cha mẹ cũng không nhận biết được nguy cơ cao con mình sẽ bị xâm hại. Các em nhỏ cũng chưa được nhà trường và cha mẹ trang bị kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

Thứ hai là cần hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật để đưa ra xử lý tội xâm hại tình dục. Luật bảo vệ trẻ em cũng không có quy định cụ thể về các hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp mà trong đó chỉ đưa ra hành vi dâm ô, giao cấu, hiếp dâm tức là những hành vi đã xảy ra rồi. Sự phòng ngừa, phát hiện sớm còn yếu. Khi phát hiện có nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục thì không có chế tài xử lý nghiêm minh.

Vì vậy, cần phải tăng cường truyền thông giáo dục tại cộng đồng, đặc biệt cho tất cả những người làm cha mẹ. Nhà trường cũng cần cung cấp cho các em những kiến thức phòng ngừa, tự bảo vệ và những kiến thức đó phải được đưa vào các văn bản pháp luật và phải được thực thi một cách nghiêm túc, ông An nói.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã chia sẻ về phương pháp xử lý, hướng dẫn kỹ năng để phụ huynh giáo dục con em phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra./.