Thếnhưng cũng chính những người phụnữấy nay đang thức tỉnh, cùng nhau đẩy bạo lực gia đình vềmiền quá khứ.
Ảnh minh họa |
Những ai oán sau lũy tre làng
“Nhiều lần đi chợ Bãi Đá - một chợ quê ở thị xã Sơn Tây - tôi phát hiện hầu hết phụ nữ bán hàng ở đây đều bị bạo lực gia đình. Người bị bạo lực về thể xác, người bị bạo lực về tinh thần, tình dục hay kinh tế... Nỗi đau ấy từng ngày, từng giờ gặm nhấm, phá hủy cuộc sống của họ”. Tôi được nghe bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ như vậy tại chương trình Gặp gỡ phụ nữ đã phá vỡ định kiến, lên tiếng chống lại bạo lực giới do Trung tâm này tổ chức tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Đi sâu tìm hiểu tình trạng bạo lực gia đình ở Sơn Tây, tôi mới hay một sự thực đau lòng: Những phụ nữ phải chịu bạo hành từ chính người chồng của mình ấy hầu hết lại là những người kiếm tiền nuôi cả nhà nhưng không có tiếng nói trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều chị em còn không biết mình đang bị bạo hành, mà cứ nghĩ mình là phụ nữ thì phải cam chịu và phải chấp nhận cuộc sống như thế.
Giữa cái nắng nóng gay gắt, chị O ở thôn Phúc Lộc, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây buồn bã kể: “Lấy chồng 25 năm thì 20 năm tôi bị chồng bạo hành cả về tinh thần và thể xác. 5 năm sau ngày cưới, chồng tôi dở chứng đi cặp bồ. Từ đó, những trận đòn thượng cẳng chân hạ cẳng tay đã trở thành quen thuộc với tôi. Chồng tôi dùng dao, kéo, chai rượu hay bất cứ thứ gì vớ được để đánh tôi. Có lần đưa con đi học, tôi vào quán cà phê gần đó ngồi đợi đón con thì chồng tôi đến, nghi ngờ tôi đi rình rập, bắt quả tang anh ấy với bồ nên đã dùng chiếc ghế sắt ở quán đập vào đầu tôi. Lần ấy, tôi bị rạn sọ não, vết rạn dài khoảng một đốt ngón tay. Nhiều lần tôi đã nghĩ tới ly hôn, nhưng gia đình nhà chồng rất quý tôi, khuyên can nên tôi lại dằn lòng xuống”.
Đau đớn, ê chề nhất là những lần chị O phải chứng kiến cảnh chồng đưa tình nhân về nhà, bắt chị làm cơm cho cô ta ăn. Chị gắng nuốt miếng cơm chan nước mắt khi nhìn chồng mình âu yếm gắp thức ăn cho người phụ nữ khác. Rồi trong một lần như thế, chồng chị đã đánh đập con trai lớn, đốt cả quần áo của con. Uất ức dồn nén, đợi khi hai con đã ngủ, chị đi đến đập Đồng Mô với ý định sẽ nhảy từ trên đập xuống để kết liễu cuộc đời. “Khi gần đến đập Đồng Mô, tôi sực tỉnh: Nếu mình chết đi thì càng tạo điều kiện cho họ đưa nhau về nhà mình ở. Con mình sẽ bị hành hạ. Thế là 9, 10 giờ đêm, tôi lững thững trở về nhà. Sau hôm ấy, tôi tự mình động viên bản thân phải phấn chấn đi chợ kiếm tiền nuôi các con ăn học. Từ khi gặp được cô Vân Anh - Giám đốc CSAGA, tôi càng tin tưởng vào cuộc sống hơn, biết mình được pháp luật và chính quyền bảo vệ; đồng thời tôi cũng học được cách tránh bạo lực và giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh giống mình khi đi học lớp do CSAGA tổ chức. Khi tôi lên truyền hình nói về bạo lực gia đình thì hàng xóm nói cho chồng tôi biết. Đến nay, chồng tôi đã đối xử với tôi tốt hơn, không còn hành hung tôi như trước nữa, dù việc ngoại tình thì vẫn chưa chấm dứt”, chị O chia sẻ.
“Sự vào cuộc của những người từng bị bạo lực gia đình trong phong trào chống bạo lực gia đình ở địa phương sẽ có hiệu quả cao bởi ở họ có sự nhạy cảm với chuyện này. Bên cạnh đó, có sự vào cuộc của bộ máy chính quyền địa phương, việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ có kết quả tốt. Ngoài ra, điều cốt yếu là phải thay đổi tư duy cho người phụ nữ về tư tưởng nam quyền. Tư tưởng này có ở cả nam và nữ giới”.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA
Người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm, nhưng ở chị Hà Thị Đào (thôn Đoàn Kết, xã Cổ Đông) toát lên tinh thần lạc quan với nụ cười tươi luôn thường trực trên môi. Thật khó tưởng tượng chỉ cách đây dăm năm, chị cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. 27 tuổi chị kết hôn. Rồi chồng chị nghiện rượu. Mỗi lần uống say, anh lại về nhà đập phá tất cả đồ đạc trong nhà, chửi bới vợ con ngày đêm. Thậm chí khi chị đang bán hàng ở chợ, anh đã ra chợ đập chết hết cả gà vịt chị bán. Chị Đào cho hay: “Từ khi tham gia lớp học về bạo lực giới do CSAGA tổ chức, chúng tôi đã biết tại sao mình bị bạo lực, biết như thế nào là bạo lực, cách phát hiện bạo lực và làm thế nào để thoát khỏi bạo lực. Tôi đã phải thoát khỏi vỏ bọc của chính mình, không chịu lép vế nữa, mạnh mẽ vượt lên chính mình, vượt lên định kiến sợ mang tiếng cãi lại chồng là gái hư. Tôi cũng nói với anh ấy là: Nếu anh đánh tôi, đập phá tài sản chung là anh vi phạm pháp luật. Tôi sẽ báo cáo chính quyền xã thì anh sẽ bị phạt, thậm chí bị đi tù. Anh ấy đã thay đổi rất nhiều. Giờ tôi tham gia vào nhóm phụ nữ đi giúp những hoàn cảnh giống mình và nhiều người đã thoát khỏi tình trạng bạo lực”.
Cùng chịu cảnh bị bạo lực nhưng chị L, ngoài 40 tuổi, ở Cổ Đông còn rơi vào cảnh bi đát hơn. Những trận đòn mà chị và các con phải hứng chịu từ người chồng, người cha nát rượu nhiều như cơm bữa. Cứ dăm ba ngày, chị lại phải dắt díu các con đi trốn tạm ở đâu đó. Chị còn phải nhờ hàng xóm trổ tường để lấy lối chạy thoát mỗi lần chồng chị say rượu.
Cuộc chiến với người cùng giường
Bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đàn ông bạo lực với vợ là bởi người chồng đó coi thường phụ nữ, coi thường người vợ và coi vợ như một thứ tài sản của mình và dùng theo cách “có tiền mua mâm thì đâm cho thủng, có tiền mua thúng thì giằng cho tan”. Còn rượu hay các yếu tố khác chỉ là tác nhân kích thích. Và chính suy nghĩ của không ít chị em là giấu nhẹm những chuyện xấu trong nhà nên càng đưa mình lún sâu vào tình trạng bị bạo lực.
Chị Đào chia sẻ: Hiện nay, chính quyền thôn và xã cũng như công an và Hội Phụ nữ xã rất tích cực hỗ trợ các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Nhóm chúng tôi hiện có 6 thành viên, phát hiện ra ai bị bạo lực gia đình thì sẽ gọi cho các thành viên trong nhóm để kết hợp cùng giải quyết.
Cái khó là nhiều người né tránh, không hợp tác hoặc chỉ gặp nhóm qua điện thoại bởi sợ chồng biết và sợ mang tiếng, xấu hổ với mọi người. Có nhà thì khi chồng đánh vợ sẽ mở to loa đài để hàng xóm không nghe thấy nên rất khó phát hiện. “Có trường hợp mình can ngăn đã bị người chồng đe dọa đánh”, chị Đào chia sẻ.
Chị O bày tỏ: “Tôi rất mong những phụ nữ bị bạo hành đừng nghĩ tới cái chết, hãy phấn chấn lên, hãy nghĩ đến cha mẹ, con cái và gia đình lớn của mình. Và đừng quên luôn có pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.
Bà Nguyễn Vân Anh cho hay: Những người nông dân thông thường lại dễ thoát khỏi bạo lực hơn là những người có vị trí xã hội và trí thức. Nhiều chị em không vượt qua được bạo lực vì nghĩ tới vị trí xã hội của mình nên không dám nói ra. Và người chồng đã nắm được điểm yếu của vợ nên mỗi lần xảy ra chuyện thường mở cửa và nói to để cho vợ xấu hổ và phải chịu nhún nhường.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, điều cần làm là tìm biện pháp đề phòng và chấm dứt bạo lực chứ không phải là tìm cách ly dị hay đưa người chồng ấy vào tù. Chấm dứt bạo lực chứ không phải tiêu diệt con người gây bạo lực. Cuộc chiến khó khăn nhất là cuộc chiến với người chung giường. Bởi có khi vợ chồng người ta đánh nhau nhưng vẫn yêu nhau, chưa kể phụ nữ ở nông thôn sống với tầng tầng lớp lớp định kiến, kèm theo đó là những cái khó khăn của cá nhân họ, trong đó có cả những nỗi sợ hãi.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Vân Anh cũng cho rằng, nếu không ly dị thì những người phụ nữ bị bạo lực phải có các phương án đề phòng. Điều ưu tiên trước hết là không được để xảy ra án mạng và bị thương tích, sau đó không để cho chồng đánh tiếp. Điều tối kỵ là khi bị đánh lại chạy vào góc chết như gầm giường, nhà tắm chỉ vì sợ người khác biết chuyện mình bị bạo hành./.
Bạo lực gia đình-Thảm họa từ lối sống vô tâm