Ngôi nhà bên bờ sông khép hờ. Tiếng cười hớ hênh của một phụ nữ bên người đàn ông không phải chồng mình giữa trưa vắng… là giả thiết tốt cho trí tưởng tượng của một đời sống vốn buồn tẻ.
Đó là một dòng sông thơ mộng, chủ yếu là thơ mộng vì bên dòng sông ấy có một đôi vợ chồng tha thiết yêu nhau. Chỉ có điều, cái sự yêu tha thiết ấy khiến cả hai người hơn một lần muốn lao mình xuống dòng sông thơ mộng đó để quên đi nỗi đắng cay mà họ cảm thấy.
Tôi biết đến dòng sông này qua lời kể của người vợ. Đó là một phụ nữ 37 tuổi. Hôm đó, khi gọi điện cho tôi, chị đã bắt đầu bằng một lời trách móc, rằng: “Chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi đêm qua đã làm tôi khổ quá...” - Tôi nhớ, đó là câu chuyện về một phụ nữ trăng hoa khiến người chồng khổ sở phải bỏ nhà ra đi. Nhưng câu chuyện đó thì làm sao lại khiến người đàn bà này khổ sở đến vậy?
Người phụ nữ cho biết, chồng chị là một fan hâm mộ của chương trình. Đêm trước, sau khi nghe xong câu chuyện về người đàn bà có thói trăng hoa, cả đêm anh dằn vặt không ngủ, ngồi bên bờ sông hút thuốc cho đến sáng, khiến vợ con nín thở vì sợ anh quẫn trí. Nguyên nhân chỉ bởi anh vận câu chuyện vào đời mình, bởi vẫn luôn cho rằng vợ mình cũng có cái thói trăng hoa như người đàn bà ấy.
Nghe đến đây, đương lúc mệt mỏi, tôi hỏi: “Thế chị... có cái tính ấy không?” - Ai dè, chị ta oà khóc. Và trong tiếng nức nở, chị nói rằng, suốt 15 năm qua, chị khổ sở vì câu hỏi ấy.
15 năm trước, khi mới lập gia đình, người phụ nữ này đã vô ý phạm phải một sai lầm. Trong một buổi sáng rảnh rỗi, khi đó, vợ chồng chị đã lấy nhau được 3 năm mà chưa có con, chị sang nhà hàng xóm buôn chuyện. Câu chuyện đang dở dang thì cô bạn hàng xóm có việc phải đi, để lại chị ngồi lại với anh chồng. Hai người trò chuyện trong ngôi nhà quay mặt ra sông, cửa liếp khép hờ. Theo lời chị thì câu chuyện chỉ có vậy, nhưng cánh cửa liếp khép hờ và dòng sông thao thiết đã hại chị.
Trưa hè vắng vẻ, có người thuyền chài thả lưới bên sông nghe tiếng cười đùa của chị với anh hàng xóm đã tưởng tượng ra rất nhiều điều. Trí tưởng tượng của anh thuyền chài và sự buồn tẻ của những người nông dân hóng mát bên sông cứ thế đẩy đưa rồi đến tai người chồng. Chồng chị, phần thì buồn bực vì nỗi chưa có con, phần thì băn khoăn với người vợ mặn mòi nên bán tín bán nghi. Chị biết chồng yêu mình nhiều lắm. Có yêu, anh mới nhất định bảo vệ chị về nỗi muộn con trước gia đình. Có yêu, nên khi chị vừa thút thít vừa thanh minh thì anh đã ôm đầu chị vào lòng mà an ủi rằng “miệng lưỡi thế gian”.
Tôi từng nghĩ những bi kịch thường bắt đầu bằng nguyên nhân vô cùng kinh khủng chứ người ta không thể dễ dàng khổ đau đến như vậy. Nhưng sự khổ đau là có thật khi người phụ nữ kết thúc câu chuyện bằng những lời mô tả về dòng sông. Dòng sông thì rộng, còn giới hạn chịu đựng của con người dường như mong manh lắm!
Nhưng có lẽ cũng vì quá yêu mà anh không thể quên được hoàn toàn câu chuyện đó. Đặc biệt, sau sự cố này thì chị đã sinh con và không chỉ một đứa. Đến bây giờ anh chị đã có với nhau ba mặt con, cả trai cả gái. Chị bảo rằng, cả ba đứa đều giống bố như đúc, vậy mà suốt 15 năm qua, không ít lần chị bắt gặp ánh mắt hồ nghi của anh khi quan sát lũ trẻ. Và suốt 15 năm qua, mỗi khi có dịp, có thể lúc anh ốm đau, lúc chị mệt mỏi mà cáu gắt với chồng... anh lại lôi câu chuyện ngày xưa ra bóng gió dằn vặt chị. Thậm chí, có lúc anh còn nói rằng, chuyện 15 năm trước anh bỏ qua nhưng không biết chừng chị không chỉ qua mặt anh lần đó.
Bằng chứng duy nhất để anh suy diễn là “không phải tự dưng mà thằng cha hàng xóm cứ vênh mặt lên với tôi!”. Những lúc như vậy, ban đầu chị dịu dàng khuyên giải, sau bực mình chị bảo anh “cùng sang nhà thằng cha hàng xóm để ba mặt một nhời”. Khi đó, anh biết mình đuối lý, lặng lẽ ra bờ sông hút thuốc vặt cả đêm. Mỗi lần như vậy, chị đau khổ tột cùng vì không biết phải làm sao để có được sự tin tưởng của người chồng mà chị vô cùng yêu quý...
Tôi im lặng rất lâu khi nghe xong câu chuyện này vì không hề nghĩ rằng nó lại có thể khiến tôi bàng hoàng đến thế. Trước đây, tôi vẫn nghĩ những bi kịch thường phải bắt đầu bằng nguyên nhân vô cùng kinh khủng chứ người ta không thể dễ dàng khổ đau đến như vậy. Nhưng sự khổ đau là có thật khi người phụ nữ kết thúc câu chuyện bằng những lời mô tả về dòng sông. Dòng sông thì rộng, nhưng giới hạn chịu đựng của con người hình như mong manh lắm!
Đêm hôm sau, khi phát sóng câu chuyện này, tôi và không ít thính giả đã chia sẻ rất nhiều sự cảm thông với người phụ nữ đáng thương ấy. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi cho rằng người chồng kia mới thực đáng thương. Anh ta đã tự tước đi hạnh phúc của chính mình vì không đủ niềm tin./.