"Phubbing" là một từ tiếng Anh mới, xuất phát từ hai chữ phone snubbing, có nghĩa là "phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hết sự chú ý vào điện thoại di động thay vì người đối diện". Đã có những nghiên cứu chỉ ra có tới 97% người được hỏi nói họ thấy thức ăn tệ hơn khi đi ăn cùng một kẻ "phubbing".
Trong nghiên cứu mới của Đại học Baylor (Texas, Mỹ) đã chỉ ra "phubbing" thực sự gây tổn hại mối quan hệ và làm cho người kia chán nản. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát gần 500 người trưởng thành, trong đó làm rõ "phubbing" là "mức độ sử dụng hoặc bị phân tâm bởi điện thoại di động khi hai người yêu nhau đang ở bên nhau".
"Chúng tôi đã phát hiện ra trong một mối quan hệ tình cảm, nếu một người nhận thức được đối tác của họ đang vùi đầu vào điện thoại, thì sẽ tạo ra mâu thuẫn và giảm mức độ hài lòng về nhau", tiến sĩ James A. Roberts, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. Theo ông, sự suy giảm hài lòng trong mối quan hệ, tiếp đó sẽ dẫn đến giảm mức độ hài lòng với cuộc sống và cuối cùng là gia tăng sự không hài lòng về nhau.
Một vài hành vi khiến một người bực bội khi người kia chú tâm vào điện thoại quá nhiều:
- Đặt điện thoại ở nơi dễ nhìn thấy khi hai người đang ở bên nhau.
- Anh ấy/cô ấy luôn cầm điện thoại trên tay khi hai người bên nhau.
- Liếc nhìn điện thoại liên tục khi hai người đang nói chuyện.
- Nếu có một khoảng thời gian yên tĩnh khi hai người trò chuyện, thì đối tác sẽ kiểm tra điện thoại của mình...
Điện thoại là "người thứ 3" phá hủy mối quan hệ của bạn. Ảnh: msn. |
Bao nhiêu trong số những điều trên có trong mối quan hệ của bạn? Trong nghiên cứu, 46,3% người được hỏi cảm thấy bị phớt lờ, 22,6% nói việc này gây ra xung đột giữa họ, 36,6% cho biết họ bực bội, trầm cảm vì hành động này của đối tác và 32% cho biết không thấy chuyện này có ảnh hưởng gì (điều này có nghĩa 68% số được hỏi thấy việc dùng điện thoại khi ở bên nhau là có vấn đề).
"Trong tương tác hàng ngày, mọi người thường cho rằng điện thoại không gây nhiều phiền nhiễu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng thời gian hai vợ chồng ở bên nhau mà thường xuyên bị gián đoạn bởi điện thoại sẽ làm suy giảm mức độ hài lòng của hai người về nhau và tiếp đến là mối quan hệ của họ", tiến sĩ David Meredith, đồng tác giả nghiên cứu cho biết thêm.
Trừ trường hợp cả hai người thấy việc này không vấn đề gì, còn nếu không hai bạn nên nói chuyện với nhau để điện thoại không là tác nhân làm xấu mối quan hệ của hai người.
"Đây là điều bạn không chú ý nhưng quả thật điện thoại có thể làm suy giảm nền tảng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn, khi ở bên một người quan trọng, đừng để điện thoại làm gián đoạn và khiến đối tác có ác cảm", David nói thêm./.