Hành trình đi tìm công lý của hoa hậu thế giới 

Linor Abargil, người Israel, đăng quang Hoa hậu Thế giới năm 1998 khi cô vừa tròn 18 tuổi. Nhưng ít ai biết rằng, 7 tuần trước khi Linor Abargil lên ngôi Hoa hậu Thế giới, cô đã bị một kẻ thủ ác cưỡng hiếp vô cùng dã man.

3_szdi.jpg
Linor Abargil đã tìm cách gặp trực tiếp các nạn nhân để nghe những câu chuyện của họ và động viên họ lên tiếng bảo vệ bản thân mình.

Trong hành trình của cuộc thi nhan sắc, Linor Abargil đã rời Isarel để tới kinh đô thời trang Milan (Ý) với mẹ cô. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra cuộc thi, gia đình Abargil bất ngờ có việc gấp và mẹ cô phải quay về ngay lập tức. Sau khi hoàn thành các cuộc thi phụ, Abargil tranh thủ khoảng thời gian nghỉ để trở về Israel.

Tại Ý, Abargil không quen biết bất kỳ ai nên cô rất vui khi biết Uri Shlomo Nur, một hướng dẫn viên du lịch người Israel làm việc cho một công ty du lịch tại Ý. Abargil đã quyết định nhờ Uri Shlomo Nur tìm giúp cô chuyến bay về Isael.

Tuy nhiên, cô bé 18 tuổi Abargil ngây thơ không biết rằng Uri Shlomo Nur đã chuẩn bị một kế hoạch hoàn hảo để cướp đi sự trong trắng của cô. 

Sau khi giành được danh hiệu cao quý, Abargil đã công khai sự việc bị cưỡng hiếp và chính quyền Israel đã vào cuộc truy bắt kẻ thủ ác. Uri Shlomo Nur đã bị bắt và bị tuyên án 16 năm tù. Sau sự việc gây chấn động dư luận Israel này, Abargil đã bắt đầu mang tiếng nói nữ quyền để đứng lên đòi quyền lợi cho phụ nữ đã từng bị xâm hại tình dục (XHTD).

Nhờ hành trình vì phụ nữ không mệt mỏi của mình, năm 2005 Abargil được bình chọn là một trong 200 người Israel vĩ đại nhất mọi thời đại. Hiện tại, Linor Abargil đã là mẹ của ba đứa con và cô vẫn đi khắp nơi trên thế giới để truyền sức mạnh cho phụ nữ và hi vọng những người đàn ông biết đến điều này để “sẽ không hành động như động vật nữa”.

Câu chuyện của Hoa hậu Thế giới Linor Abargil  được kể lại trong bộ phim tài liệu “Brave Miss World - Hoa hậu Thế giới dũng cảm” do Đại sứ quán Israel phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam công chiếu mới đây khiến nhiều người phải rơi lệ vì xót xa cho thân phận của những người phụ nữ bị XHTD trên toàn thế giới. 

Xâm hại tình dục được xã hội… che giấu?! 

Điểm nhấn trong bộ phim “Hoa hậu Thế giới dũng cảm” đó chính là người mẹ của Linor Abargil. Thay vì che giấu nỗi nhục nhã con gái bị XHTD để bảo toàn danh dự gia đình như rất nhiều người mẹ khác có thể làm, bà đã chìa tay, lắng nghe và sát cánh cùng con gái trong suốt cuộc hành trình đi đòi công lý và truyền sức mạnh cho những người phụ nữ khác.

“Câu nói của người mẹ: “Con không có lỗi, lỗi do kẻ kia gây ra” đã thực sự là chỗ dựa, là chiếc phao để Linor Abargil đứng lên từ đáy tuyệt vọng đấu tranh cho mình và cho những người phụ nữ khác” – bà Phan Thu Hiền chuyên gia về giới của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh trong buổi công chiếu bộ phim.

Phụ nữ bị lạm dụng tình dục, bạo lực tình dục cũng là một thực tế ở Việt Nam. Nghiên cứu quốc gia tại Việt Nam về bạo lực gia đình cho thấy trong 5 năm (2008-2012) có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện.

Những con số đáng báo động là vậy, nhưng trong đời sống xã hội và đặc biệt trong mối quan hệ gia đình, xâm hại, bạo lực  tình dục rất hiếm khi được nhận biết, lên tiếng do bị “che phủ” bởi những quan niệm truyền thống, những quy tắc chuẩn mực và tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng.

Ở góc độ pháp luật, 87% phụ nữ bị bạo hành nói chung và bị xâm hại, bạo lực tình dục nói riêng thường không tìm đến các cơ quan có thẩm quyền vì họ không hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ.

Bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women phân tích, khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng bức, ngay lập tức câu hỏi đặt ra là cô ấy đã làm gì để bị cưỡng bức, phải chăng cô ấy đã đến nhầm một nơi nào đó, vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn, vì quan niệm tình dục của nam giới mặc nhiên được coi là bản năng tự nhiên của con người.

Để nạn nhân của nạn xâm hại tình dục không mất niềm tin vào luật pháp

Nói về các hoạt động để nạn nhân của nạn XHTD không mất niềm tin vào luật pháp, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, ở Israel đang hiện hữu một trang mạng xã hội khuyến khích các nạn nhân của nạn XHTD lên tiếng tố cáo. Tham gia trang mạng này, các nạn nhân (công khai hoặc ẩn danh) có thể nói lên câu chuyện của mình để đòi công lý. Ngày 8/3 vừa qua, một tạp chí của Israel đã truyền thông về vấn đề này và có 22 người phụ nữ đã dũng cảm xuất hiện công khai để kể câu chuyện và tố cáo kẻ đã XHTD mình. 

Còn với pháp luật Việt Nam, ông Chris Batt – Quản lý Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, cần mở rộng thêm khái niệm về các tội xâm hại, bạo lực tình dục vì đây là tội nghiêm trọng nhưng ít bị truy tố nhất. Trong lần sửa đổi vừa qua, Bộ luật Hình sự đã mở rộng khái niệm về XHTD, tuy nhiên việc xây dựng một khung pháp lý quy định toàn diện, đầy đủ về các hành vi xâm hại, bạo lực tình dục và phù hợp với công ước quốc tế vẫn còn là khoảng cách./.