Những vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và lo lắng. Vấn đề nhận diện nguy cơ để tránh những vụ xâm hại trẻ em là điều quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý, rất khó để có thể phát hiện những nguy cơ này vì thủ phạm có thể là bất kì ai, kể cả những người thân trong gia đình.

Cuối tháng 10 vừa qua, người dân Thành phố Hồ Chí Minh hết sức phẫn nộ khi biết một cháu bé 2 tuổi ở quận Thủ Đức bị xâm hại tình dục và phải nằm điều trị tại bệnh viên Nhi Đồng 2.

Thủ phạm là một thanh niên ở phòng trọ gần bên. Có thể nói đây là một trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em hết sức nghiêm trọng vì cháu bé còn rất nhỏ và tổn thương gây ra rất nghiêm trọng. Hậu quả đó tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng theo các chuyên gia tâm lý, những vết thương ở thể xác sẽ gợi nhớ về việc bị bạo hành và những chấn động về tâm lý này thường đeo đuổi suốt cuộc đời nạn nhân.
xam_hai_vasr.jpg
Ảnh minh họa, nguồn: KT

Trước tình trạng thương tâm của cháu bé, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc. Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cho biết: “Hội đã cử cán bộ nắm tình hình, đến tận nhà thăm hỏi tình hình và có công văn yêu cầu can thiệp vụ việc đến nơi đến chốn. Qua sự việc này, chúng tôi muốn gửi đến các phụ huynh lời cảnh tỉnh vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ. Không chỉ đơn thuần cho con ăn mặc, ngủ mà phải phòng ngừa trước khả năng bị bạo hành, bị xâm phạm tình dục. Chúng tôi cũng yêu cầu hội phụ nữ các cấp cần lưu tâm bảo vệ trẻ em ở khu vực nhà trọ, nhập cư, tạm cư”.

Có thể nói, những vụ xâm hại tình dục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chỉ là bề nổi của vấn đề. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an, mỗi năm trung bình có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%.

Còn theo ước tính của một bác sĩ tâm lý tại một bệnh viện nhi đồng, mỗi năm vị bác sĩ này đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 5 đến 6 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em khỏi những xâm hại tình dục hay bạo hành là điều mà các bậc cha mẹ không thể làm ngơ được nữa. 

Nhưng làm cách nào để bảo vệ con em tránh khỏi những nguy cơ này? Theo các chuyên gia tâm lý, việc nhận diện những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục là chuyện rất khó khăn. Thủ phạm của những vụ xâm hại tình dục đều có những bất thường về tâm lý nhưng giấu kín nên người ngoài rất khó phát hiện.

Nguyên nhân của những hành vi xâm hại trẻ em có thể xuất phát từ việc không kiểm soát về cảm xúc, trả thù một ai đó, loạn thần do lạm dụng rượu bia hoặc có thể là dấu vết của những sang chấn về tâm lý lúc còn nhỏ. Đa số các trường hợp xâm hại trẻ em là người quen của gia đình, thậm chí là người thân trong gia đình. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những nguy cơ bị bạo hành hoặc bị xâm hại tình dục, giải pháp duy nhất chính là bố mẹ phải thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tiếng nói của con mình.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ đưa ra lời khuyên: “Thường phụ huynh bây giờ có tâm lý giữ rịt con mình, không cho tiếp xúc với người lạ, không cho ở một mình. Nói chung là họ không thả con ra ngoài cộng đồng. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là phải dạy cho con biết nguy hiểm và biết chia sẻ. Thậm chí nhiều bố mẹ còn không biết cách cho con bắt đầu câu chuyện. Chúng ta dạy cách ứng phó chứ không phải cứ cắt đứt mọi quan hệ là an toàn”. 

Nhiều phụ huynh cho rằng, với trẻ từ 3 tuổi trở lên mới có thể giáo dục về giới tính nhưng thật ra với trẻ nhỏ tuổi hơn, vẫn có thể lồng ghép kiến thức về giới tính thông qua trò chơi với con.

Phụ huynh phải dạy cho con cách nhận biết về cơ thể mình, về khoảng cách an toàn với người lạ. Nếu ai đó vượt qua khoảng cách an toàn trẻ sẽ nhận ra nguy cơ và chia sẻ với cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý Trương Quốc Cường, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Chúng ta phải dạy cho trẻ biết về quyền riêng tư, không được phép ai có thể đụng chạm đến cơ thể của các em, kể cả người thân quen. Các em có quyền từ chối bất cứ ai nếu đụng chạm đến cơ thể các em. Dạy cho các con biết ai là người tốt, ai là người xấu và đặc biết chúng ta phải biết lắng nghe sự chia sẻ của các con”.

Các chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo phụ huynh, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về tâm lý của trẻ em cần phải đưa trẻ đến khám tại các khoa tâm lý của bệnh viện nhi đồng để được can thiệp và điều trị kịp thời. Đó là các dấu hiệu như sợ người lạ, sợ người khác giới, giật mình khi ngủ, hay khóc thét sợ hãi…

Những sang chấn tâm lý khi trẻ bị xâm hại tình dục có thể kéo dài nên việc điều trị là hết sức cần thiết. Thông tin của các cháu sẽ được các cơ sở y tế bảo mật hoàn toàn./.