Từ những dấu vết quan trọng được chuyển đi giám định, bằng những trang thiết bị và phần mềm hiện đại, các chiến sĩ hồ sơ đã tìm ra manh mối quan trọng, gỡ “nút thắt” của vụ trọng án giúp cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng, bắt gọn nghi phạm.

Tin nhắn lúc rạng sáng “tố giác” nghi phạm

Vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (SN 1968, ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi cách thức ra tay của sát thủ vô cùng tàn ác. Dấu vết tại hiện trường vụ án cũng được xóa bỏ rất nhiều khiến cơ quan điều tra cùng các đơn vị nghiệp vụ có lúc rơi vào bế tắc bởi có quá nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng không khả thi.

tham_sat_2_hesj.jpg
Công tác thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ thảm sát được thực hiện tỉ mỉ, công phu

Một lực lượng hùng hậu nhất với sự chỉ huy của các vị tướng trong ngành công an được điều động đến hiện trường vụ án, trong đó có Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Viện khoa học hình sự cùng phối hợp với các lực lượng tiến hành khám nghiệm, tìm mọi dấu vết nhỏ nhất của hung thủ để lại. Sau khi sàng lọc, những dấu vết quan trọng được chuyển đi giám định, trong đó có những dấu vân tay khả nghi được chuyển về Trung tâm thông tin tội phạm được đặt tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát chia sẻ: Bằng những trang thiết bị và phần mềm hiện đại, các chiến sĩ hồ sơ đã có được những manh mối quan trọng để cơ quan điều tra định hướng được động cơ gây án và khoanh vùng những đối tượng tình nghi. 

"Với vai trò là cơ quan trung tâm thông tin tội phạm, đồng thời là cơ quan được ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó những nghi ngờ được chuyền về cơ quan hồ sơ, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã giúp Ban chuyên án chứng minh được dấu vết tội phạm để lại tại hiện trường" - Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ thông tin.

Trong đó phải kể đến việc phát hiện một số tin nhắn từ một sim rác gửi đến nạn nhân Dư Minh Vỹ (14 tuổi) chỉ ít phút trước khi Vỹ bị giết. Bằng các biện pháp nghiệm vụ, Ban chuyên án đã khoanh vùng, xác định được nghi phạm gây ra vụ thảm sát 6 người là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Các trinh sát trong chuyên án đã tiếp cận được đối tượng Nguyễn Hải Dương và bí mật mời về cơ quan điều tra để khai thác thông tin. Sau nhiều lần đấu trí với nghi can này, bằng những chứng cứ cụ thể, thuyết phục mà Ban chuyên án đưa ra, Dương đã cúi đầu nhận tội và khai ra đồng phạm của mình là Vũ Văn Tiến (24 tuổi, bạn làm chung xưởng gỗ và đang tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM).

“Việc quan trọng là xác minh được nghi can để đối chiếu, gỡ được nút thắt của vụ án. Đối chiếu với kết quả giám định mẫu giày, bộ gen... thu tại hiện trường thì hoàn toàn trùng khớp với Dương” - Một cán hồ sơ thông tin.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, mặc dù hiện trường đã có nhiều người vào gây xáo trộn nhưng công tác khám nghiệm hiện trường được thực hiện hết sức công phu, chính vì vậy lực lượng kỹ thuật thu được rất nhiều dấu vết quan trọng để có căn cứ phá được vụ trọng án này.

Sớm đưa vụ án ra xét xử

Trong cuộc họp với Ban chuyên án vụ thảm sát gia đình ông Lê Văn Mỹ (tại Minh Hưng, huyện Chơn Thành), Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã nghe các thành viên ban chuyên án và điều tra viên báo cáo kết quả các bước điều tra ban đầu như việc bắt tạm giữ 2 nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, hai nghi can gây ra vụ thảm sát 6 người

Sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước ra các quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến cùng về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” theo điều 93 và 133 Bộ Luật hình sự. Đồng thời ra Lệnh tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can trên để điều tra theo quy định của pháp luật.

Trung tướng Triệu Văn Đạt nhấn mạnh, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tác động ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội, do đó Ban Chuyên án phải tiến hành nhanh các bước tiếp theo trong giai đoạn tố tụng, tuy nhiên cũng phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Đây là vụ án trọng điểm nên cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước để sớm kết luận điều tra và có cáo trạng để truy tố, xét xử một cách sớm nhất. Điều này cũng góp phần bù đắp một phần nỗi mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân, đồng thời ổn định dư luận trong nhân dân.

Một số tang vật vụ án được thu giữ - Ảnh CA cung cấp

Bên cạnh đó, xác định đây là vụ án được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm, Trung tướng Triệu Văn Đạt đã giao nhiệm vụ cho Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước làm người phát ngôn chính thức./.