Vốn là những kẻ thuộc thành phần bất hảo, nhân thân mang nhiều án tích nên Vũ Tuấn Tú (SN 1975, quận Kiến An), Nguyễn Tuấn Phương (SN 1980, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) dắt tay nhau vào Kỳ Anh – mảnh đất màu mỡ để “kiếm ăn”. Tại đây, Phương và Tú dần gây dựng được thanh thế, tạo uy tín và những mối quan hệ mờ ám trong thế giới ngầm.

Vì thế, khi em trai vào Kỳ Anh đánh bạc bị thua, cho rằng, bị các chiến hữu gian lận, dùng thủ thuật “luộc” nên Hồ Thị Hoa (trú tại TP Hà Tĩnh) đã gọi điện cầu cứu Vũ Tuấn Tú. Bằng “uy tín xã hội”, Tú hỏi thăm và biết Phạm Viết Thắng, ở khu phố 3 (thị trấn Kỳ Anh), có liên quan đến việc đánh bài. Tú “bắn tiếng” cần gặp Thắng để “nói chuyện tình cảm”. Biết tiếng tăm của Tú, có phần lo sợ nên ngay lập tức, Thắng gọi điện hẹn gặp để giải hòa. Đồng thời, Thắng nhờ Lê Đình C. ở thị trấn Kỳ Anh đứng ra dàn xếp vì biết C. quen với Vũ Tuấn Tú.

Cũng được coi là “người anh lớn” nên C. vui vẻ nhận lời. Dù biết Tú không phải là đối thủ nhẹ ký nhưng tự tin ở “đất nhà” nên C. gọi điện cho Tú để giảng hòa bằng giọng điệu kẻ cả, bề trên. Cho rằng C. “cậy nhà”, Tú không chấp nhận bỏ qua và cùng Nguyễn Tuấn Phương đến chỗ hẹn Thắng, C. để “nói chuyện phải quấy”. Tại một quán cà phê ở thị trấn Kỳ Anh, thể hiện tư cách của dân anh chị, C. hòa giải với 1 khẩu súng AK và một cái tát thị uy dành cho Tú.
105dtl89790_tsrj.jpg
Vũ Tuấn Tú (bên trái), Nguyễn Tuấn Phương (bên phải) trước vành móng ngựa.

Không nao núng trước họng súng AK đang chĩa vào đầu, Vũ Tuấn Tú thủng thẳng: “Anh đánh em rồi, anh em hết tình nghĩa với nhau”. Thấy tình thế không ổn, Phạm Viết Thắng đẩy Lê Đình C. đi ra phía ngoài quán. Theo đề nghị của Thắng, Lê Đình C. tháo băng đạn bỏ vào túi áo. Thấy nòng súng C. cầm chĩa ra hướng khác, trong súng không có đạn nên Tú đá văng khẩu súng và nhặt lên đánh C. Ngay lập tức, Nguyễn Tuấn Phương lao vào “trợ giúp”. Trong lúc hỗn chiến, Phương đã dùng dao bấm thủ trong túi quần đâm một nhát vào ngực Lê Đình C. làm C. đổ xuống bãi cỏ bên đường, chết trên đường đi cấp cứu.

Gây án xong, ngay lập tức, Tú, Phương rời khỏi hiện trường và không quên mang theo khẩu súng AK của Lê Đình C. để “đề phòng tai họa”. Khi Vũ Tuấn Tú, Nguyễn Tuấn Phương chạy trốn đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì bị lực lượng công an bắt giữ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh xét xử Tú và Phương về tội “Giết người”, các bị cáo tỏ ra lạnh lùng, trơ lỳ và chấp nhận. Hình như các bị cáo có đủ “kinh nghiệm”, sự từng trải và kiến thức để hiểu cái giá phải trả. Ngay cả khi tòa tuyên án 30 năm 6 tháng tù cho cả Tú và Phương, trên gương mặt bụi bặm của chúng vẫn không hề biến sắc. Các bị cáo chấp nhận cái giá cho hành vi của mình, đồng ý với các buộc tội của cáo trạng, điều chúng đề nghị xem xét duy nhất là yếu tố “lỗi của nạn nhân có hành vi đe dọa”.

Điều đó càng cho thấy mức độ nguy hiểm của những kẻ cáo già, nắm luật, biết tội mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Điều đáng nói nữa là trong phòng xét xử, số ít người quen, bạn bè, người thân của bị cáo, bị hại ngồi theo dõi, nghe cáo trạng, tuyên án đều có chung thái độ dửng dưng. Nhìn một vài gương mặt lầm lì, ánh mắt sắc lạnh, vô cảm, tôi không khỏi giật mình, lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn. Không biết, sự nghiêm minh của pháp luật có đủ sức răn đe, giáo dục những con người tội lỗi, vô nhân tính, coi thường mạng sống của người khác như Tú, Phương.

Ngày 25/2/2002, Vũ Tuấn Tú bị TAND thành phố Hải Phòng xử 6 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Nguyễn Tuấn Phương, ngày 24/10/1996, bị TAND quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng xử 30 tháng tù về tội “Cướp tài sản của công dân”; ngày 9/12/1999, TAND quận Kiến An xử 21 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”; ngày 8/8/2002, bị TAND quận Hồng Bàng xử 30 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 23/12/2005, bị TAND quận Lê Chân, TP Hải Phòng xử 8 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”.