Theo Kết luận điều tra của công an và Cáo trạng của VKS huyện Phù Cừ, Hưng Yên sáng 21/10/2015, ông Lê Ngọc Đức cho máy xúc và thợ đến dọn dẹp trên phần đất có tranh chấp với ông Lê Ngọc Diệp (75 tuổi, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ) trước đây ở thôn Đoàn Đào, thì bị ông Diệp ngăn cản, thách thức. Khi công an xã và thôn có mặt thì ông Diệp dùng gạch, mảng vữa ném về phía máy xúc, trúng chân ông Phó thôn Vũ Minh Đức. Kết quả giám định, ông Đức bị thương tích 9%.

vov_bat_cu_ong_1_jrdu.jpg

 Vợ chồng ông Lê Ngọc Diệp trong một lần đến VOV kêu oan hồi đầu năm 2016, khi bị khởi tố bị can.

Nửa tháng sau công an huyện Phù Cừ khởi tố ông Diệp về tội cố ý gây thương tích. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tỉ lệ thương tích từ 11% mới phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cơ quan pháp luật Phù Cừ cho rằng, do ông Diệp “sử dụng hung khí nguy hiểm” (là cục gạch) nên dù anh Đức chỉ bị thương tích 9%, thì ông Diệp vẫn bị truy tố về tội danh này theo khoản 1, điều 104.

Về phần mình, ông Diệp và 13 nhân chứng cùng nhiều người dân trong thôn trực tiếp có mặt tại hiện trường ký văn bản khẳng định: “Không nhìn thấy ông Diệp ném vào anh Đức”; “Chưa một ai nhìn thấy anh Đức kêu đau, không ai lập biên bản tại chỗ”; “Ai bảo ông Diệp ném vào chân anh Đức là vu khống”…

Ông Diệp cho biết, con trai ông ở xa điện thoại về thông báo thì ông mới biết tin bị cáo buộc ném vào chân anh Đức. Chưa biết thực hư ra sao, ông sang nhà anh Đức xin lỗi, thăm hỏi và chịu trách nhiệm đưa đi bệnh viện chữa trị, chịu phí tổn.

 “Vợ chồng anh Đức đều thông cảm, vì tôi đã già, lại là hàng xóm láng giềng sống với nhau mấy chục năm qua. Trong 5 lần gặp gỡ, thăm hỏi, anh Đức đều nói, cháu không có đơn từ kiện tụng gì ông, cháu chỉ có tường trình” - Ông Diệp nói.

Xin lưu ý, Kết luận điều tra số 02/KLĐT ngày 14/12/2015 của Công an và Cáo trạng số 02/QĐ-VKS-HS ngày 31/12/2015 của VKS huyện Phù Cừ không có bất cứ chi tiết nào đề cập việc người bị hại (anh Đức) có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Khi TAND huyện Phù Cừ đưa vụ án ra xét xử thì lại có “Đơn yêu cầu khởi tố” của anh Đức. Ngày 2/3/2016, Tòa quyết định “Đình chỉ vụ án đối với bị can Lê Ngọc Diệp” với lý do “Người bị hại (anh Đức) có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi tố”?

Kết luận điều tra số 02/KLĐT ngày 14/12/2015 của Công an không có bất cứ chi tiết nào đề cập việc người bị hại (anh Đức) có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Ra quyết định phạt tiền không đúng

Mặc dù được đình chỉ, nhưng ông Diệp vẫn kháng cáo với lý do: “Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ vụ án là không đúng pháp luật. Bản thân tôi bị oan, không có tội. Phải tuyên bố tôi vô tội bằng một bản án”.

Lại một bất ngờ nữa, trong lúc Quyết định của Tòa án chưa khô mực, đang bị kháng cáo nên chưa có hiệu lực, thì ngày 15/3/2016, Phó trưởng Công an huyện Phù Cừ, thượng tá Hoàng Chí Dũng ký Quyết định phạt hành chính ông Diệp 2,5 triệu đồng về hành vi gây thương tích.

Đang kêu oan bản án, ông Diệp lại phải khiếu nại Quyết định của Phó Công an huyện. Trả lời đơn khiếu nại lần đầu của ông Diệp, Trưởng Công an huyện Phù Cừ, đại tá Nguyễn Văn Mừng vẫn giữ nguyên quyết định của cấp phó vì cho rằng “ông Diệp khiếu nại không có cơ sở”.

Nhận được khiếu nại lần 2 của ông Diệp, sau gần 3 tháng xác minh, ngày 12/7/2016, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên ký Quyết định số 46/QĐ-CAT(V24), chỉ rõ: “Việc Phó Trưởng Công an huyện Phù Cừ ban hành quyết định xử phạt ông Diệp 2,5 triệu đồng là không đúng; Việc Trưởng Công an huyện giải quyết khiếu nại của  ông Diệp là sai” và “Yêu cầu Trưởng Công an huyện hủy quyết định xử phạt 2,5 triệu đồng đối với ông Diệp”.

Trao đổi với phóng viên, ông Diệp cho biết, ông đã 75 tuổi, từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, không tiền án, tiền sự và đang tố cáo tham nhũng ở địa phương cũng như khiếu nại về đất đai cho gia đình. Nhiều năm qua, những chồng đơn của ông cứ vòng lên Trung ương lại quay về tỉnh, về huyện… hết năm này qua năm khác không ai giải quyết thỏa đáng.

Những hành xử trong vụ việc này tiếp tục đặt ra câu hỏi về trình độ năng lực và khả năng lạm quyền của những người thực thi công lý: Thương tích 9% đã đủ cơ sở để khởi tố một ông già 75 tuổi hay chưa? “Đơn đề nghị khởi tố” của anh Đức phải chăng chỉ xuất hiện khi các cơ quan tố tụng đuối lý? Những người làm sai (dù vô tình hay hữu ý) sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu?

Dư luận vẫn chưa quên vụ án “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Chỉ đến khi bị kỷ luật, những cán bộ được trao quyền mới chợt nhận ra rằng mình đã “nóng vội” và “trình độ non yếu”!./.