Trong hai ngày 9 - 10/4/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Oanh (SN 1970, trú xóm 5, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa kéo dài trong 2 ngày, không phải vì bị cáo bị xét xử nhiều tội, mà vì bị hại trong vụ án này lên tới con số gần 90 người. Tất cả bị hại trong phòng xử án đều là hàng xóm, láng giềng.
Bị cáo Trần Thị Oanh tại tòa. |
Theo cáo trạng, thủ đoạn của bà Oanh là dùng tên gọi “phường trồng” để người dân nghĩ đây là một hình thức của phường, hụi. Để tham gia “phường trồng” người chơi sẽ phải gắn liền với 1 phường có lãi cụ thể để làm căn cứ. Số tiền "trồng" được tính bằng số suất tham gia phường có lãi nhân với số tiền đóng mỗi suất/tháng của phường có lãi.
Oanh quảng cáo với người chơi là khi cần có thể bán lại suất phường trồng của mình cho Oanh với giá cao. Ngoài ra, số lãi người chơi “phường trồng” được hưởng gần như cao gấp đôi so với phường có lãi, bao gồm lãi suất ban đầu và lãi suất hàng tháng.
Sau khi phường có lãi đi hết, vào thời điểm phường có lãi đi đến suất cuối cùng thì người đi “phường trồng” sẽ được Oanh trả lại số tiền ban đầu đã nộp, gọi là “thổ ống”.
Đồng thời, Oanh thường sử dụng chiêu bài trả lãi cao và tỏ ra khá sòng phẳng. Nhiều người dân sau khi đến lượt bốc phường không nhận về mà tiếp tục để lại cho chủ phường, chỉ nhận về tiền lãi. Bởi vậy khi bà Oanh tuyên bố vỡ nợ, nhiều người dân mất trắng cả số tiền đóng phường.
Trong số gần 90 nạn nhân, có rất nhiều hoàn cảnh éo le. Như trường hợp của ông Trần Văn H (trú xã Thanh Mỹ), khi người vợ mất đi, ông được chi trả tiền bảo hiểm 100 triệu đồng. Nghe lời Oanh vận động đóng phường để hưởng lãi suất cao, bản thân ông H. lại ốm yếu, mất khả năng lao động nên đồng ý đóng 100 triệu vào “phường trồng” để lấy tiền lãi chi tiêu hàng tháng.
Thời gian ngắn đầu, Oanh trả lãi sòng phẳng nhưng sau đó thì “im hơi lặng tiếng”, không trả lãi, không trả gốc. Chỉ khi sự việc vỡ lỡ, người đàn ông mù lòa này mới biết mình là 1 trong gần 90 nạn nhân của “siêu lừa” Trần Thị Oanh.
Cũng với chiêu trò đó, biết được anh Võ Văn D. (SN 1993, trú tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An) có một số tiền dành dụm chuẩn bị làm ăn, với ý định chiếm đoạt số tiền trên, bà Oanh liền nghĩ ra việc lập phường có lãi với 10 suất, 1 suất 5 triệu, nếu có tiền gửi thì sẽ ăn lãi rất cao. Tin tưởng Oanh nói, anh D. không ngần ngại đóng luôn 10 suất với giá 50 triệu đồng. Ngay lần đầu tiên, Oanh trả cho D. số tiền 6,2 triệu đồng và nói đây là lãi ban đầu.
Gần 1 tháng sau, Oanh tiếp tục giả vờ để hở thông tin có 2 phường, mỗi phường 10 suất, mỗi suất 5 triệu. Vì tin tưởng lần 1, nên anh D. đưa nốt số tiền tích cóp 100 triệu cho Oanh để tham gia. Lần này Oanh trả cho anh D số tiền 12 triệu tiền lãi. Như vậy, trừ số tiền đã trả tổng cộng số tiền Oanh chiếm đoạt được của anh D là 132 triệu đồng.
Trong vòng từ ngày 3/2/2016 đến tháng 7/2017 bà Oanh đã lừa đảo 84 người và chiếm đoạt tới hơn 3,8 tỷ đồng. Số tiền đó Oanh đã chi tiêu vào mục đích cá nhân.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo Trần Thị Oanh là hết sức nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dựa vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa quyết định tuyên bị cáo Trần Thị Oanh 16 năm tù và buộc bồi thường số tiền hơn 3,8 tỷ đồng cho các bị hại./.
Hải Phòng: Vợ chồng nhà giáo vỡ hụi hàng chục tỷ đồng
Tín dụng đen: Chiếc vòi bạch tuộc “tác oai, tác quái”