Các phiên tòa xét xử đại án có nhiều thành công

Báo cáo tại buổi họp báo đầu năm của Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức sáng 31/1 cho biết, từ ngày 1/10/2016 - 30/9/2017, các tòa án đã giải quyết được hơn 438.000 vụ việc trong tổng số hơn 491.000 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,3%); số vụ việc đang tạm đình chỉ giải quyết là 9.622 vụ (bằng 2%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng hơn 28.000 vụ; đã giải quyết tăng hơn 33.500 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,3%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

vov_ong_nguyen_hoa_binh_sndn.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp báo sáng 31/1.
Các tòa án đã tăng cường tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, tại phiên tòa không hạn chế thời gian tranh tụng, bắt tạm giam bị cáo hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết; khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố khi có dấu hiệu lọt người, lọt tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ; kiến nghị để khắc phục những sai sót cả về tố tụng và trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ…

Việc xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Giang Kim Đạt; vụ án Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng; Trịnh Xuân Thanh…

Đánh giá về các phiên toà đại án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng các phiên tòa có nhiều thành công. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các cấp tòa án đã triển khai nghiêm túc các nghị quyết, các quyết định của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bị cáo Phạm Công Danh

Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo cho đến thời điểm này Tòa tối cao đã hình thành các Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm dù chưa diễn ra. Thẩm phán tham gia các phiên tòa đều là những người có kinh nghiệm điều hành, được tín nhiệm cả về kinh nghiệm hiểu biết và phẩm chất đạo đức.

“Hiện nay, TAND tối cao đã có danh sách tất cả các HĐXX đại án và có đánh giá kiểm tra năng lực từng hội đồng. Tòa tối cao yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nghiên cứu hồ sơ độc lập theo đúng quy định của luật. Yêu cầu các HĐXX nghiên cứu thật kỹ, lưu ý các điểm mới của tố tụng” – ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Không tổ chức phiên toà lưu động

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, Chánh án TAND Tối cao cho biết, trước đây phiên tòa xét xử lưu động có tác dụng tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển cùng với tính năng động của đội ngũ phóng viên các cơ quan truyền thông thì tác dụng này đã giảm dần. Khi Tòa công khai bản án trên mạng thì người dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận vụ án và đã có tác dụng tuyên truyền. Chính vì thế cần cân nhắc lại hiệu quả của phiên toà lưu động.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, mỗi năm ngân sách của ngành toà án phải chi 70 tỷ đồng cho việc tổ chức các phiên toà lưu động, đó là chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ thêm.

“Nếu dùng số tiền này cho việc khác sẽ tác dụng hơn”- ông Bình nói và cho biết các phiên tòa này rất khó bảo vệ cho các bị can, bị hại, người làm chứng, thậm chí bảo vệ trật tự phiên tòa; việc xét xử lưu động cũng không nghiêm túc.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có nước nào đưa vụ án ra ngoài phòng xét xử. Yêu cầu nghiêm túc của mọi phiên toà thì nước nào cũng đặt ra. Hơn nữa, mỗi phiên toà cần đảm bảo quyền con người - đây là nguyên tắc Hiến định. Một bị cáo khi chưa có bản án của tòa án có hiệu lực thì chưa phải là tội phạm.

Việc mang về nơi cư trú để xét xử phần nào ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà đi bụi đời… Như vậy vô hình trung đã tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc, dòng họ cũng vì thế mà mâu thuẫn với nhau nhiều hơn”- ông Bình phân tích.

Từ những hạn chế như vậy, TAND Tối cao đã báo cáo  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tổng kết lại việc tổ chức phiên toà lưu động và dự kiến, tháng 7/2018, TAND Tối cao sẽ có báo cáo về vấn đề này. “Quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên toà lưu động”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh./.