Trận mưa kéo dài nhiều ngày qua trên địa bàn thành phố Sơn La đã khiến hàng chục hộ dân tổ 10, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La bị đe dọa đến tính mạng và tài sản. Mấy ngày nay, cứ tối đến nhiều gia đình ở khu vực này không dám ngủ vì nỗi lo cận kề cả quả núi sạt xuống nhà mình bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Hường ở tổ 10, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La nói: “Mấy ngày nay mưa to sạt lở đường, đồi núi, dân ở tổ 10 không ngủ được vì đồi nứt to, cả xóm phải bật điện chờ thông tin cho để chạy”.
Tâm lý lo lắng và bất an thường trực những ngày này trong mỗi người, mỗi nhà khu vực dân cư này. Vào năm 2013, gần 60 hộ dân ở đây đã phải di chuyển đến nơi ở mới bởi sạt lở và sụt lún đất. Nay lại tái hiện tình cảnh này khiến cả người dân và chính quyền địa phương càng thêm khó khăn. Nhiều nhà để đảm bảo an toàn tính mạng cho gia đình đã vội vã dời đi nơi khác thuê nhà.
Ông Đinh Đức Chính, tổ trưởng tổ 10, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La cho biết: “Có một số hộ dân đã phải chuyển đi. Chúng tôi nhận định rằng, với mùa mưa này, với trục đường 6 này tiếp diễn là rất phức tạp nữa. Vì vậy, chúng tôi đề nghị với tỉnh xác định rõ gia đình nào phải chuyển trong đợt này, tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ tính mạng con người, tìm nới cư trú cho sớm”.
Tại khu vực dốc Két nước, quốc lộ 6, ngoài những vết sụt lún dài hàng chục mét ở phía dưới, có những điểm, vết sụt lún lan rộng 2/3 vào mặt đường. Trong những ngày tới nếu trời tiếp tục mưa to nguy cơ sụt lún sâu gây ách tắc giao thông từ Sơn La đi Điện Biên kéo dài nhiều ngày là rất lớn.
Nguyên nhân sụt lún được đánh giá là do địa chất khu vực này đất yếu, cộng với nhiều mạch nước ngầm nên rất khó xử lý. Phương án đặt ra nếu xây dựng bờ kè phía dưới để bảo vệ tuyến đường Quốc lộ 6 và khu vực dân cư hay di chuyển hơn 30 hộ dân đến nơi ở mới thì lại quá khả năng của chính quyền thành phố Sơn La.
Ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng của tỉnh cũng như của Trung ương tiếp tục quan tâm có các giải pháp hỗ trợ địa phương, trước hết là giải pháp về kỹ thuật để xử lý mái dốc của mặt đường và tạo hệ thống dòng chảy để tránh tụ thủy về hướng gây sạt trượt”.