Theo qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người gây ra vụ nổ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại và những người bị thương hoặc thiệt mạng, có tài sản hư hỏng phải được bồi thường. Tuy nhiên, trong vụ nổ ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), người gây ra thiệt hại là ông Phạm Văn Cường (42 tuổi, người Nam Định) được cơ quan điều tra xác định là đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại, cũng không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối tượng.

no8_wcoz.jpg
Hiện trường vụ nổ ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội)

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc này, trao đổi với VOV.VN, Luật sư Nguyễn An – Cty Luật Cộng đồng khẳng định: Ông Cường chết không đồng nghĩa với việc những người bị thiệt hại này không được quyền đền bù. Theo qui định về quản lý, thì sẽ có 2 đơn vị phải chịu trách nhiệm, thứ nhất là Quản lý thị trường (liên quan đến hàng hóa lưu thông trên địa bàn) và Sở Kế hoạch – Đầu tư (liên quan đến việc quản lý kinh doanh). Phải xác định rõ, ông Cường là hộ kinh doanh cá thể hay không. Nếu là Hộ kinh doanh cá thể thì do ủy ban quản lý. Quản lý thị trường quản lý hàng hóa lưu thông trên địa bàn có đủ điều kiện để lưu hành hay không. Ngoài ra, Cảnh sát môi trường cũng liên quan đến việc nếu ông Cường không có giấy phép kinh doanh mà vẫn tự hoạt động kinh doanh trong một thời gian như vậy.

Luật sư Nguyễn An cho rằng: Ở đây, chúng ta qui kết sang trách nhiệm của hệ thống quản lý xã hội. Trong trường hợp có đăng ký kinh doanh thì đơn vị nào cấp? Vì khi cấp phép kinh doanh thì họ phải có trách nhiệm quản lý và giám sát. Nếu không có giấy phép kinh doanh thì trách nhiệm thuộc về Cảnh sát môi trường và Quản lý thị trường.

Ông Cường chết là hết chuyện? Luật sư Nguyễn An khẳng định: “Không có chuyện đó. Ông Cường chết là hết trách nhiệm cá nhân còn trong quá trình ông Cường hoạt động kinh doanh mà có sự giám sát của cơ quan Nhà nước thì chuyện này không xảy ra. Chúng ta phải phân tích rõ có hay không có sự kiểm soát từ trước tới nay đối với hoạt động của ông Cường. Nếu không có thì do sơ suất hay cơ quan quản lý ăn tiền để không làm?!”.

Liên quan đến trách nhiệm của ông Cường, theo Luật sư Nguyễn An, ông này hoạt động kinh doanh từ trước và không có tư tưởng cố tình, không đủ năng lực nhận biết nên mới để xảy ra việc mà chính bản thân ông ấy cũng chết. Cho nên có thể khẳng định, ông Cường không đủ năng lực nhận thức để nhận biết rằng đây là loại thiết bị nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, vào ngày 19/3, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông. Theo CATP Hà Nội, hậu quả vụ nổ làm 3 người đi đường chết; 1 người chết trên đường đi cấp cứu; 1 người mất tích; 1 người bị thương nặng cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103; 6 xe môtô bị cháy; 1 ôtô bị hư hỏng; các căn hộ từ số 8 đến số 27 - TT9; số 75 - 95, TT20 bị sụt nứt, hư hỏng./.

Điều 623: BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.