Đi dạo một vòng trên các tuyến đường trung tâm của TP.HCM, có thể thấy rác thải nhựa hiện diện ở nhiều nơi với đủ loại thành phần. Nhiều nhất vẫn là ly nhựa, chai nhựa, bao ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn nằm vương vãi trên vỉa hè, bồn cây. Rác thải nhựa không chỉ hiện diện ở mọi nẻo đường mà còn xuất hiện dày đặc trên nhiều đoạn kênh rạch, thậm chí chui vào hệ thống cống thoát nước.
Gần như 100% các quán buôn bán ở vỉa hè đều dùng ly nhựa để đựng nước uống. |
Theo ghi nhận của phóng viên thì hiện nay nhiều ban ngành, địa phương của TPHCM đã vận động người dân hạn chế các vật dụng nhựa sử dụng 1 lần, nhưng việc sử dụng các túi ni lông, ly nhựa trên địa bàn thành phố không hề giảm. Lý do là vì các vật dụng này tiện lợi và giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm thân thiện với môi trường.Anh Trần Thanh Hiếu, một người bán trà sữa ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp cho biết: "Trước đây bên mình sử dụng ly giấy, loại ly giấy bảo vệ môi trường rất là tốt, nhưng mà khi khách hàng mua trà sữa bằng ly giấy mang về để lâu thì nó sẽ bị nhũn cái ly ra và độ chắc chắn của nó không được tốt, nên bên mình rất ưu tiên ly nhựa sử dụng một lần dù biết là nó không thân thiện với môi trường, nhưng mà nó tiện lợi và giá rẻ, đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà bên mình cần".
Vì giá thành rẻ hơn so với các loại ly được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường nên túi ni lông và ly nhựa được sử dụng nhiều hơn. |
Cùng quan điểm với anh Hiếu, bà Nguyễn Thị Lan ở quận 12, TP.HCM đang bán nước giải khát trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp cũng cho rằng, bà và những người khác ít nhiều đều biết tác hại của rác thải nhựa khi thải ra môi trường, nhưng dùng ly nhựa tiện lợi và giá rẻ nên chưa thấy được. Khách hàng của bà Lan chủ yếu là công nhân, người lao động, giờ dùng ly giấy hoặc vật liệu thân thiện môi trường thì buộc phải tăng giá thành, mà như vậy khách sẽ bỏ đi nơi khác.Bà Lan chia sẻ: "Có, tôi có biết tác hại của ly nhựa, nhưng mà thời buổi thị trường, bán cho công nhân nghèo có 8 ngàn một ly nước thì sao mà sử dụng loại đắt tiền, đành phải sử dụng ly nhựa thôi".
Thùng rác phân loại rác trên đường Điện Biên Phủ đầy tràn rác thải nhựa. |
Đã có nhiều tổ chức, cá nhân phát động phong trào "sống xanh - sống thân thiện môi trường" bằng hành động thiết thực như dùng túi giấy, túi vải thay túi nilong, dùng lá chuối, lá sen thay hộp nhựa, hộp xốp. Những yếu tố quyết định vẫn là ý thức của người tiêu dùng. Nếu ý thức cao, người dân sẽ dần thay đổi thói quen của mình.
Có thùng rác nhưng người dân không bỏ vào mà để ở vỉa hè trên đường Điện Biên Phủ. |
Trước mắt, cần vận động mọi người, khi chưa thể từ bỏ hẳn túi nilong thì 1 túi ni-lông nên tận dụng để sử dụng nhiều lần hoặc nếu vứt thì gom vào 1 túi chung để lực lượng gom rác dễ phân loại và đưa đi tái chế. Ngoài ra, chính quyền cần xử phạt nghiêm các hành vi vứt rác bừa bãi và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hộ kinh doanh khi sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường./.