Rác thải nhựa có rất nhiều tác hại cho môi trường và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, người dân Cà Mau vẫn chưa có  ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hộ dân sống gần cửa sông, cửa biển thường xuyên vứt bỏ các loại túi ni lon và rác thải nhựa xuống các kênh rạch và trôi ra biển. Việc làm hàng ngày của họ đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức cho cả cộng đồng và xã hội.

rac_thai_1_vov_zsor.jpg
Rác thải nhựa sẽ gây hệ lụy rất lớn cho môi trường biển. 

Cũng như tập quán định cư của người dân vùng sông nước ĐBSCL, ở tỉnh Cà Mau có rất nhiều hộ dân sống ven sông, kênh rạch. Những cửa sông này lại là vị trí “đắc địa” để phát triển kinh tế biển nên người dân địa phương thường sống tập trung thành các khu, cụm dân cư đông đúc.

Tại cửa sông Ông Đốc, là trung tâm của thị trấn Sông Đốc, thị trấn lớn nhất tỉnh Cà Mau, hàng trăm người dân sống ven theo hai bên bờ và ven các kênh rạch nhỏ nối ra cửa sông này. Đáng nói, những người dân nơi đây, chưa ý thức trong bảo vệ môi trường, họ thoải mái thả rác thải xuống sông, kênh rạch. Sau mỗi con nước lớn lại ròng mọi thứ bà con tùy tiện thảy xuống, trong đó có rất nhiều rác thải nhựa đều được kéo ra biển sạch bóng.

Nhiều người dân nơi đây không biết rằng, rác thải nhựa sẽ tồn tại trên biển hàng trăm năm. Qua năm tháng sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu loại thủy hải sản sống ngoài đại dương. Hành động của họ đang làm ảnh hưởng đến chính sinh kế là nghề biển đang nuôi sống họ.

Ông Trần Văn Nguyên, một người dân địa phương cho biết: “Gần biển, dục xuống sông thì trôi ra biển. Có người thì bỏ gọn lại đốt, có người thì dục. Chai nhựa này kia còn bán được, bọc thì dục bỏ. Mua cái gì cũng đựng bằng bọc hết”.

Toàn tỉnh Cà Mau có 85 cửa biển lớn nhỏ. Trong đó, nhiều cửa biển là trung tâm của xã, của thị trấn, tập trung đông dân cư. Ngay trung tâm TP Cà Mau cũng có nhiều con sông, kênh rạch trong nội ô. Ven theo các con sông tập trung đông dân cư như: sông Cà Mau – Bạc Liêu; sông Gành Hào; Kênh sáng Phụng Hiệp,... ý thức người dân cũng không khá hơn bà con miền biển bao nhiêu.

Sau con nước lớn, rác thải nhựa trôi lại và tập trung gần chân cầu Ghành Hào, TP Cà Mau.

Chị Phan Huyền Loan, người dân sống ven sông Cà Mau - Bạc Liêu chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng bọc ni lông nhiều nhưng đều bỏ vào thùng rác, người ta thu gom. Đi chợ hay đựng đồ thì phải dùng bọc ni lông nhiều. Quanh đây người dân sống ven sông nên cũng có người tiện tay vứt xuống sông, là bình thường. Họ không quan tâm trôi đi đâu hay ảnh hưởng môi trường sao đâu. Muốn không dùng bọc hay này kia thì rất khó”.

Do tập trung đông dân cư và rác thải nhựa do người dân xả ra không thể bị đẩy nhanh ra các cửa biển nên vấn đề xả thải tại các con sông thuộc trung tâm TP Cà Mau được thể hiện rõ ràng hơn.

Ghi nhận của phóng viên VOV tại chân cầu Gành Hào (nối phường 7 và Phường 8, TP Cà Mau), khi thủy triều lên các vật dụng như bọc ni lông, hộp xốp, các vật dụng từ nhựa nổi lềnh bềnh trôi theo dòng nước. Khi nước rút, vẫn còn đó những vật dụng trên đọng lại hai bên bờ sông. Ý thức người dân sống ven sông, kênh rạch kém trong xả rác thải nhựa đang làm vấn đề ô nhiễm của TP Cà Mau thêm trầm trọng.

Ông Phạm Tứ Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau cho rằng: “Cà Mau có 4 dòng sông nằm trong trung tâm thành phố. Người dân sống ven theo sông và dưới lòng sông thì xả rác, nước thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Cần di dời những người dân này về những khu tái định cư để đúng theo quy hoạch và đảm bảo vệ sinh môi trường song”.

Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, các con sông đều thông với nhau và đổ ra biển. Biết bao vật dụng nhựa người dân vứt bỏ xuống sông, kênh rạch không nằm lại đâu đó ven sông, kênh rạch thì cũng sẽ theo dòng nước đổ ra biển. Thực trạng này tại Cà Mau chưa đến mức báo động nhưng qua nhiều năm tháng sẽ rất nguy hiểm./.