mua_lu_mien_trung_daoc.jpg
Ảnh minh họa.
Hôm nay, tại các tỉnh miền Trung lại có thêm 3 người chết do lũ lụt. Như vậy đến nay, mưa lũ tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã làm 25 người chết. Trong đó, Quảng Ngãi 9 người chết, Bình Định 10 người và tỉnh Quảng Nam 6 người.
Đến chiều nay (8/12), tại tỉnh Quảng Ngãi trời đã ngớt mưa, nhưng các hồ thủy lợi, thủy điện vẫn xả lũ nên mực nước ở các sông Vệ, sông Trà Khúc còn dao động trên báo động 3. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã hướng dẫn các địa phương tổ chức di dời hơn 2500 hộ dân ở các huyện Tư nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức đến nơi an toàn.
Mưa lớn mấy ngày qua ở Quảng Ngãi đã làm 9 người chết, gần 2000 héc ta lúa, hoa màu bị ngập trong nước. Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: hiện nay, các tuyến đường về huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã bị chia cắt, giao thông không thể qua lại; Tỉnh đã tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm giúp bà con vùng lũ ổn định cuộc sống.

"Nói chung các vùng trong tỉnh đều bị ngập sâu , một số vùng cô lập. Hôm nay lũ lớn nhất trong 9 ngày qua. Còn một số vùng cô lập các lực lượng của huyện của xã đang tiếp tế mì tôm, nước uống, chỉ đạo các Trung tâm Y tế xử lý nước cho dân tránh dịch bệnh. Về các tuyến đường, hiện nay các lực lượng có chốt chặn cảnh báo cho mọi người đi qua tránh thiệt hại về người. Ở Quảng Ngãi đỉnh lũ có chiều hướng xuống chậm", ông Dương Văn Tô cho biết.
Còn tại tỉnh Bình Định vẫn còn mưa vừa đến mưa to, nước trên các sông đã đạt đỉnh và rút chậm. Hầu hết các địa phương như Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn vẫn đang bị ngập, chia cắt cục bộ, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn. Đáng nói là do bất cẩn, nhiều học sinh đi qua các tràn ngập nước, bị nước lũ cuốn trôi.
Trong sáng nay (8/12), tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, trên đường đi học về khi qua tràn Bờ Dọn, thôn Thuận Thái, 2 học sinh Trần Đức Thắng và Đào Minh Tài, cùng học lớp 8A2, Trường THCS Nhơn An bị nước lũ cuốn trôi. Ngay sau khi nhận thông tin, UBND xã Nhơn An huy động lực lượng tìm kiếm, đến trưa nay đã tìm thấy thi thể của 2 em học sinh này. Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, thị xã An Nhơn cho biết, nước qua tràn không lớn, nằm giữa cánh đồng nhưng các em học sinh lại đi về bằng đường này.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài, kết hợp với việc vận hành xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi từ ngày 30/11 đến nay làm 6 người chết, hơn 1.400 nhà dân bị ngập, gần 2.200 héc ta hoa màu bị ngập úng, dập nát; 22 héc ta đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở, bồi lấp; hơn 13.000 mét kênh, mương bị hư hỏng. Tỉnh lộ 610 và hàng loạt tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập nước, hư hỏng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Trước thông tin hồ Phú Ninh xả lũ gây thiệt hại cho vùng hạ du, ông Huỳnh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam cho biết: "Hiện nay lưu vực mưa rất nhỏ, ngày hôm nay mưa không đáng kể. Hôm qua và đêm mưa tương đối lớn nhưng vẫn điều tiết xả khoảng 260m3/giây. Sau khi có thông báo số 5, hiện nay vẫn tiếp tục xả nhưng với lưu lượng rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến hạ du".
Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa không lớn nhưng các hồ chứa Cam Ranh, Suối Dầu, Tà Rục, Suối Hành xả lũ sai quy trình khiến nhiều địa phương bất ngờ. Cụ thể hồ chứa Cam Ranh, Suối Dầu khi cao trình đã vượt mực bình thường nửa mét, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa mới chịu xả lũ. Hồ Tà Rục và Suối Hành tại thành phố Cam Ranh xả lũ từ lúc 17 giờ nhưng đến 20 giờ mới thông báo đến chính quyền địa phương.
Việc xả lũ vào ban đêm gây nguy hiểm đến an toàn người dân hạ du... nhiều địa phương đã bị bất ngờ, không kịp thu hoạch hoa màu. Việc vận hành xả lũ các hồ chứa của công ty không thực hiện đúng theo quy trình vận hành điều tiết và phương án phòng chống lụt bão đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa kịp thời chấn chỉnh công tác vận hành điều tiết hồ chứa; rà soát vùng ngập lụt vùng hạ du trước khi xả lũ các hồ chứa và có thông báo cụ thể cho địa phương biết; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý để đảm bảo an toàn công trình và tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du./.