Trên địa bàn thành phố Hà Nội, do các lực lượng chức năng ráo riết truy quét, xử lý hành vi khai thác cát trái phép, nên nguồn cát khan hiếm, cung không đủ cầu, khiến cho giá cát trở nên đắt đỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động mạnh với những thủ đoạn, mánh khóe tinh vi hơn trước. Và việc lợi dụng địa bàn giáp ranh để thực hiện hành vi vi phạm là thủ đoạn điển hình của các đối tượng này.

vov_cat_btxk.jpg
Các tàu đều được trang bị vòi hút cát công suất lớn.

Bốn tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ do đối tượng Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1976; Đỗ Văn Tường, sinh năm 1968; Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1969 và Tăng Văn Chí sinh năm 1972 đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông vào rạng sáng nay (31/5) tại khu vực xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ, các đối tượng đã hoạt động lén lút vào rạng sáng nhằm trốn tránh sự truy quét của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, sau một thời gian tổ chức mật phục và nắm tình hình, quy luật hoạt động thì đến 3h30' rạng sáng nay, toàn bộ 4 tàu cát này đã bị lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ.

Tàu cát bị bắt giữ đã được lai dắt về trạm xử lý của lực lượng chức năng.

Đối tượng Tăng Văn Chí - thuyền trưởng tàu hút cát số hiệu HN1566 khai nhận: "Mình khai thác cát ở khu vực xã Tản Hồng, từ xã Tản Hồng đi về chỗ cầu Đuống. Mỗi chuyến cát thì chủ tàu trả cho 1 triệu 8, chuyến này mới là chuyến thứ 2 nhưng khi lên thì có người họ ra thu tiền tài nguyên. Nhưng mình không nghĩ là những người đứng ra bán tài nguyên đó là không có phép".

Chỉ trong vòng 2 tháng từ 1/4 đến 30/5, riêng tại khu vực này, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 24 vụ việc khai thác cát trái phép.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã có quyết định cấm toàn bộ hoạt động khai thác cát trên địa bàn tuy nhiên tại tỉnh Vĩnh Phúc các tàu khai thác cát vẫn được phép hoạt động. Các tàu này liên tục khai thác cát trái phép theo kiểu "tranh thủ", luân phiên giữa 2 tỉnh thành phố, tận dụng giới hạn thẩm quyền xử lý của các lực lượng chức năng, để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trung tá Đỗ Văn Chuẩn - Đội trưởng đội CSGT đường thủy số 1, công an TP. Hà Nội cho biết: "Các đối tượng đã lợi dụng địa bàn giáp ranh nên nói dối là đi về các địa phương khác như Phú Thọ hay Vĩnh Phúc. Thứ 2 là các phương tiện công cụ khai thác, hút cát rất nhanh. Thực tế mức phạt với hành vi hút cát trái phép từ 45-50 triệu đồng. Tuy nhiên vì lợi nhuận cao hơn rất nhiều, nên các tàu thuyền vẫn bất chấp khai thác".

Trước thực hoạt động khai thác cát trái phép vẫn đang diễn ra trên sông Hồng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động này, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh. Đồng thời có biện pháp thống nhất trong việc cấp phép khai thác cát sạn giữa các tỉnh thành để loại tội phạm này không để lại những hậu quả xấu cho môi trường như sạt lở hai bên bờ sông, thay đổi dòng chảy, luồng tuyến hoạt động của tàu thuyền tại những khu vực này./.