Chiều 23/12, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực thiện chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì hội nghị.

Thực hiện chỉ thị số 30 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, nhiều biện pháp đã được đẩy mạnh, như: Chống vận chuyển qua biên giới trên bộ, huy động lực lượng cảnh sát biển chống buôn lậu thuốc lá trên biển, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra buôn lậu thuốc lá thường xuyên, quy mô lớn, vận động người dân không tiêu thụ, tiếp tay hoặc buôn lậu thuốc lá…

hoi_nghi_lwfw.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị

Chỉ trong gần 1 năm, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ hơn 9.600 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, trên 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu hơn 10 triệu bao thuốc lá.

Ngành chức năng cũng đã khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách 21 tỷ đồng.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, sau khi có chỉ thị 30, tình hình buôn lậu thuốc lá còn diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã kiểm soát được tình hình.

Buôn lậu thuốc lá qua biên giới còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành, lợi dụng địa bàn sông nước, đồng trống, rừng núi để qua mắt lực lượng chức năng, vận chuyển thuốc lá qua biên giới.

Hình thức vận chuyển cũng có sự thay đổi từ rầm rộ sang tinh vi hơn, đối tượng vận chuyển manh động hơn, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, kể cả huy động đông người để gây áp lực, cướp hàng, tẩu tán tang vật.

Trong nội địa, trọng điểm tiêu thụ thuốc lá lậu vẫn là TP.HCM, các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ và các đô thị. Các cửa hàng bán thuốc lá vẫn bán thuốc lá nhưng thuốc được chia nhỏ, cất giữ ở những nơi khác và dần dần vận chuyển đến nơi bán nên khi lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng, thì số thuốc bắt giữ được không nhiều…

Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt, thường xuyên công tác này, phương tiện cho lực lượng chống buôn lậu còn thiếu, người dân biên giới đời sống còn khó khăn và chưa có việc làm ổn định nên dễ trở thành đối tượng vận chuyển.

Trên hết, lợi nhuận từ buôn lậu và kinh doanh thuốc  lá ngoại nhập lậu rất cao, bình quân chênh lệch giữa ngoài nước và trong nước từ 3.000 – 10.000 đồng/bao, tùy loại thuốc, khiến nhiều đối tượng tham gia vào các công đoạn buôn lậu mặt hàng này.

Về những biện pháp cần tập trung trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta mở cao điểm để tấn công buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá lậu, xử lý nghiêm và tập trung vào một số địa bàn trọng điểm. Địa bàn nào nhiều vi phạm, nguyên nhân ở đâu…phải được điều tra, xử lý. Đánh cả đầu vào và kiểm soát cả đầu ra. Đặc biệt, các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu thuốc là nói riêng và buôn lậu nói chung phải thực sự trong sạch và quần chúng ủng hộ, thì dứt khoát chúng ta sẽ thành công”./.