Thông tin từ ngành y tế địa phương cho thấy, trong tháng 3/2018 có 2 trường hợp, còn trước đó vào tháng 1 và tháng 2/2018 tháng nào cũng có một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn.

Tất cả các trường hợp khi nhập viện đều trong tình trạng bệnh dại đã khởi phát với các triệu chứng, như: Lên cơn kích động, sợ gió, sợ nước, co giật toàn thân… Trong 4 trường hợp tử vong có 3 trường hợp là các bé từ 6 đến 11 tuổi bị chó cắn từ 2 đến 3 tháng trước thời điểm phát bệnh và cả 4 trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

tu_vong_vov_1_eisv.jpg
Một gia đình ở xã Ya Chim, thành phố Kon Tum có con bị chó dại cắn tử vong vào ngày 23/3 vừa qua.
Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, khảo sát thực tế tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Glei, nơi có 4 bệnh nhân tử vong cho thấy, nguy cơ người dân bị phơi nhiễm bệnh dại là rất cao. 

“Trong vòng 3 năm trở lại đây có hiện tượng chó, mèo cắn hoặc là cào rất nhiều và tất cả đều chưa đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, khi khảo sát ở vùng Đăk Môn, Đăk Glei thì đàn chó hầu tất cả đều chưa tiêm phòng. Nếu tình hình này mà không có biện pháp ngăn chặn một cách kịp thời thì nguy cơ số lượng tử vong ngoài cộng đồng còn tăng cao trong thời gian đến” - ông Đào Duy Khánh cho biết.

Trước mắt, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh dại, ngành y tế tỉnh Kon Tum đang vận động tất cả các trường hợp bị chó, mèo cắn trong 3 năm gần đây tới các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin. Đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo hoặc đối tượng chính sách khác, ngành y tế địa phương sẽ sử dụng nguồn kinh phí chống dịch để hỗ trợ người bệnh./.