Mấy ngày vừa qua, người dân tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa liên tục phản đối, ngăn cản  hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp của Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa.

Nhiều công nhân là người địa phương liên tục bị dân làng gây áp lực, đe dọa để bỏ việc. Trong lúc chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc xử lý thì mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp ngày càng gay gắt.

nha_may_khanh_hoa_htwv.jpg
Nhà máy xử lý chất thải nguy hại đến nay vẫn chưa hoạt động

Nhà máy xử lý chất thải nguy hại hoàn thành xây dựng từ cuối năm 2015, sau khi chạy thử nghiệm thu, đến giữa năm 2016, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động. Thế nhưng, sau khi Nhà máy xây dựng xong đến nay, người dân địa phương liên tục phản đối, yêu cầu di dời đi nơi khác vì sợ ô nhiễm môi trường.

Mấy ngày qua, một số người dân đã ngăn cản không cho công nhân vào Nhà máy làm việc. Nhiều người tụ tập gần Nhà máy, hăm dọa công nhân khiến nhiều người lo sợ không dám rời nhà máy. Công ty phải cầu cứu chính quyền xã, nhưng khi cán bộ xã đến cũng bị bao vây, buộc họ phải ở lại trong nhà máy cả đêm.

Bà Nguyễn Thị Hảo làm việc tại Nhà máy cho biết, nhiều người trong làng sau khi đến nhà yêu cầu bà không được đi làm nữa và ném chất bẩn vào nhà.

Thôn Ninh Ích nhiều năm nay luôn bị ô nhiễm từ nghĩa địa, bãi rác tập trung của thị xã Ninh Hòa. Vì thế, khi Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa đặt Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại đây nhiều người dân cho rằng tình trạng ô nhiễm sẽ thêm trầm trọng.

Tháng 3/2016, để phản đối Nhà máy hoạt động, người dân trong thôn đã tự phát giữ 1 chiếc xe chở chất thải của Nhà máy suốt nhiều tháng liền. Sau nhiều lần vận động bất thành, cơ quan chức năng buộc phải cưỡng chế để giải cứu chiếc xe này.

Bà Nguyễn Thị Xuân, một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi chỉ mong muốn không cho Nhà máy hoạt động, không chở chất độc hại vì rất ô nhiễm”.

Được biết, Nhà máy xử lý chất thải nguy hại có công suất xử lý 100 tấn rác thải rắn/ngày, nằm cách khu dân cư gần nhất khoảng 800m. Sau khi nhà máy chạy thử nghiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu khí thải, nước thải, tất cả đều đạt tiêu chuẩn cho phép.

Đây là Nhà máy duy nhất chuyên xử lý chất thải nguy hại từ rác thải công nghiệp, rác thải y tế tại tỉnh Khánh Hòa. Do người dân liên tục phản đối, Nhà máy chưa thể hoạt động nên Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa buộc phải vận chuyển rác vào tận tỉnh Bình Dương để xử lý.

Mặt khác, để giải quyết ô nhiễm môi trường nước của người dân, thị xã Ninh Hòa đã yêu cầu phía Nhà máy lên phương án cấp nước sạch phục vụ toàn bộ thôn Ninh Ích, bảo đảm người dân được cung cấp nước sạch trước Tết nguyên đán 2017. Đồng thời, phía Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa cũng đã tuyển dụng người địa phương vào làm việc để vừa tạo việc làm vừa giám sát hoạt động. Tuy vậy, một số người dân vẫn yêu cầu di dời nhà máy đi nơi khác.

Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa cho biết: “Niềm tin này phải có sự hòa thuận giữa người dân và Công ty. Những biện pháp tạo niềm tin với người dân đó là họ vào đây vừa làm việc vừa giám sát hoạt động của chúng tôi. Chưa nói đến các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát, có phản ánh của người dân, thấy chúng tôi có vi phạm thì lập tức Công ty sẽ đóng cửa”.

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch quan trắc, giám sát môi trường đối với nhà máy xử lý chất thải và khu vực xung quanh để ghi nhận, đối chiếu các thông số môi trường trước và sau khi có nhà máy hoạt động làm cơ sở xử lý các vấn đề liên quan. Đồng thời, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân thị xã Ninh Hòa, xử lý đơn thư của người dân theo quy định và có biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này.

Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, chính quyền tiếp tục vận động người dân để nhà máy xử lý chất thải sớm đi vào hoạt động. Giấy phép và điều kiện pháp lý để Nhà máy hoạt động là hoàn toàn có đầy đủ cơ sở”./.