Liên quan đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân của TP Hà Nội, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng: Chúng ta cần phải làm có lộ trình đi đôi với việc thay đổi thói quen của người dân thì mới thực sự có hiệu quả
PV: Thưa ông, vừa qua cử tri rất quan tâm đến đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông ở Thủ đô, quan điểm của ông về đề án này?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Xu thế chung của các nước là hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Phương hướng của Hà Nội là sẽ hạn chế xe máy, tuy nhiên, thành phố đã đặt ra lộ trình phù hợp kèm theo đó là các điều kiện cụ thể.
Hạn chế phương tiện cá nhân là để phát triển tốt hơn chứ không phải gây khó khăn cho người dân. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là hạn chế xe máy nhưng thành phố tìm các giải pháp để tăng cường hệ thống giao thông công cộng.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, thành phố cần thông tin sớm để người dân định hình, tính toán mua sắm phương tiện, nếu không có thể sẽ dẫn đến cú sốc cho người dân. Thành phố đã có tính toán kỹ về lộ trình, các mục đích ưu tiên.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu từ quy hoạch, khi quy hoạch tốt thì chúng ta sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư cộng với đó là sẽ thiết kế các mô hình để người dân thay đổi thói quen, không phải là bài toán quá khó khăn. Bên cạnh đó, tôi được biết là trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo thành phố đang rất quan tâm tìm kiếm các hình thức đường sá giao thông phi cơ giới, nhất là tàu điện ngầm, đường sắt trên cao.
Trong định hướng và thực hiện xây dựng hạ tầng gần đây, thành phố rất quan tâm đến vỉa hè. Thành phố sẽ tìm kiếm các giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, hiện đại hơn. Có những nước người ta định hướng giao thông 300 năm vẫn phù hợp.
PV: Cùng với việc hạn chế phương tiện cá nhân, thành phố sẽ phát triển phương tiện công cộng thế nào để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu: Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, cùng với đó là hệ thống xe buýt, ngay cả tàu điện ngầm, đường sắt trên cao nhiều nước người ta cũng tính đến hai ba tầng.
Tất nhiên Hà Nội cần nguồn kinh phí rất lớn, tôi cho rằng rất cần chia sẻ của Trung ương và xã hội hoá mới có thể thực hiện được việc hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài vốn ngân sách, TP sẽ huy động xã hội hoá, khi có nhiều chủ thể xã hội hoá với nguồn vốn lớn thì có thể thực hiện được lộ trình này.
Tôi nghĩ rằng nguồn lực trong dân, doanh nghiệp rất lớn, vấn đề bây giờ là cách huy động. Ngay cả đầu tư công cũng vậy, nguồn lực của mình rất nhiều, nhưng việc chính là khơi thông để doanh nghiệp có lãi, có lợi nhuận khi người ta tham gia những chương trình như vậy cộng với những yêu cầu về khoa học, công nghệ mới sẽ giảm bớt những áp lực
PV: Khi hạn chế phương tiện cá nhân, làm thế nào để người dân, công chức có thói quen đi bộ, đi xe đạp đến công sở?
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu:Việc xây dựng hệ thống đường sá, vỉa hè để giúp người dân thói quen đi bộ vừa tốt cho sức khoẻ vừa không tốn kém, đây cũng là hình thức "xã hội hoá giao thông", tức là người dân tiết kiệm cho bản thân, tiết kiệm cho xã hội, tốt cho sức khoẻ, có thể phát động phong trào để người dân đi bộ đi làm, cán bộ công chức đi bộ đến công sở. Trong định hướng tương lai, Hà Nội phải có định hướng bảo vệ và làm tốt những con đường phục vụ đi bộ, xe đạp.
Hà Nội sẽ có những giải pháp hết sức đồng bộ từ quy hoạch để xây dựng hạ tầng, nhưng một trong những cách là đi bộ, ở những nước châu Âu có những đoạn đường có hàng vạn người đi bộ. Bước đầu Hà Nội rất thành công xây dựng tuyến phố đi bộ. Tương lai không xa, cùng với xu hướng thương mại văn minh, người dân sẽ đến nhiều hơn các trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn.
Dần dần quán nước vỉa hè sẽ trở thành ký ức của người Hà Nội, có thể để thành những phố chuyên quán kiểu kiểu như vậy, còn lại phải dành vỉa hè cho người đi bộ hầu hết là lối đến cơ quan, công sở, trường học. Cùng với việc quản lý đô thị, quản lý môi trường thì sẽ dần dần giải quyết được...
PV: Xin cảm ơn ông!/.