Tình trạng bạo lực trong học đường đang gia tăng và gây bức xúc trong dư luận. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên?
Bạo lực học đường gia tăng vì chưa quan tâm đến giáo dục đạo đức?
ĐBQH Đặng Minh Châu (Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm) nhận xét: Đúng là tình trạng bạo lực trong giới trẻ hiện nay rất đáng phải quan tâm, nếu không muốn nói là đáng báo động. Nhiều khi các em nhìn nhận mọi việc không khách quan, suy nghĩ không chín chắn, chỉ vì những việc rất nhỏ mà sẵn sàng có những hành vi manh động. Những vụ thảm sát thời gian qua thủ phạm chủ yếu ở độ tuổi rất trẻ.
Tác động của phim ảnh, mạng xã hội không phải là nhỏ, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nói thẳng là giáo dục học đường chưa quan tâm thấu đáo đến việc giáo dục đạo đức, về sự đoàn kết thân ái cho học sinh.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm |
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh: “Tôi thấy hiện nay, ở nhiều gia đình, những lúc có điều kiện gần gũi với nhau mỗi người cầm lại một cái điện thoại, không nói chuyện gì với nhau. Trong Phật giáo chúng tôi, chia sẻ là phương pháp quan trọng nhất để nối kết tình người với nhau. Chuyện vui mà nói ra được sẽ thấy vui hơn, nỗi buồn mà nói ra được sẽ cảm thấy đỡ buồn hơn”.
Để ngăn chặn tình trạng gia tăng bạo lực, trong đó có bạo lực học đường, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng: vai trò của gia đình là rất quan trọng, bố mẹ phải luôn luôn quan tâm đến con cái.
Những việc cha mẹ làm cuối cùng cũng là vì con cái, cho con cái. Vật chất thì có giới hạn thôi, trách nhiệm giáo dục con cái mới là vô hạn. Sinh hoạt cộng đồng cũng đem lại lợi ích không nhỏ như: sinh hoạt họ hàng để giáo dục truyền thống tổ tiên, nét văn hóa cổ truyền cho thế hệ trẻ; sinh hoạt làng xóm, tổ dân phố để giáo dục ý thức, trách nhiệm xã hội;….
Trong Phật giáo cũng có nhiều chùa đã tổ chức các buổi sinh hoạt hằng tuần cho thanh niên, thiếu niên phật tử, dạy võ, tổ chức các khoá tu, làm từ thiện,…Nhưng dù sao thì việc giáo dục cho con trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tình trạng bạo lực học đường thường gặp ở lứa tuổi nào?
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, nhất là ở lứa tuổi 14-18 đã diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, xã hội đang rất quan tâm, đặc biệt là những phụ huynh có con em lứa tuổi này. Trước đây, bạo lực học đường chỉ diễn ra ở nam giới, nhưng mấy năm gần đây thì tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nữ giới rất là nhiều.
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội |
Bà Hoa nhấn mạnh: Xã hội cần phải lên án và có biện pháp ngăn chặn, giáo dục đối với các em. Các em ở lứa tuổi này đang trong giai đoạn phát triển, trưởng thành và tâm lý cũng chưa được ổn định, đặc biệt các em có cái TÔI rất lớn, các em cũng chưa hiểu hết về pháp luật.
Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các em cũng thích khẳng định mình, thích mình có cái gì đó nổi trội và được mọi người cổ vũ, chính điều đó dẫn đến việc vi phạm pháp luật của các em.
Để giáo dục các em ngăn chặn về tình trạng bạo lực học đường này, theo bà Hoa, chúng ta vẫn phải kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường cần phải quan tâm giáo dục về kỹ năng sống, về phẩm chất đạo đức cho các em, về truyền thống và nét đẹp thanh lịch của người phụ nữ.
Nhà trường có thể tổ chức các hoạt động đoàn, các hoạt động tập thể để giáo dục truyền thống, để các em tham gia những hoạt động lành mạnh và từ đó, các em sẽ động viên nhau cùng hướng tới cái chung, khuyến khích nhau tích cực tham gia các hoạt động đó.
Đối với gia đình, cần phải có nền nếp, gia phong; bố mẹ phải gương mẫu, phải quan tâm đến các vấn đề học tập và sinh hoạt của các con, cách phát ngôn, cách đối xử của các con với các thành viên trong gia đình và với bạn bè như thế nào, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các con. Từ đó, có sự chấn chỉnh, động viên cho các con.
Ngoài gia đình và nhà trường, các em còn có các mối quan hệ xã hội, quan hệ với bạn bè, quan hệ với các tổ chức, các hoạt động, các nhóm,… Những mối quan hệ đó tác động không nhỏ đến tâm lý, hành vi của các em. Các hoạt động lành mạnh ở các khu dân cư, tổ dân phố, hội làng, … cũng có tính giáo dục cho các em.
Về phía các em, các em cũng phải tự hiểu rằng, ở lứa tuổi này các em đang được học hành, được nuôi dưỡng và rèn luyện thì phải xác định cho mình ý thức được những hành vi, lời nói, trách nhiệm của mình đối với người khác và đối với bản thân mình để không gây ảnh hưởng, tổn hại đến bạn bè cũng như ảnh hưởng đến gia đình. Các em cũng phải tạo dựng cho mình những ý tưởng, những nét sống đẹp, trau dồi kiến thức để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Bạo lực học đường là do cái tôi quá lớn
Trong khi đó, ĐBQH Lê Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường vì những động cơ cá nhân quá nhiều. Tôi cho rằng, phải tiếp cận ở một khía cạnh khác trong vấn đề xử lý bạo lực học đường. Đó là phải tăng được giá trị sống, đổi mới mô hình về tâm lý học đường.
ĐBQH Lê Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội |
Bây giờ, do sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội phát triển, sự phân hóa giàu nghèo,…dẫn đến nhận thức về giá trị sống và quan điểm lệch nhau khá nhiều. Do đó, các em đánh nhau, hơn thua nhau vì cái tôi của mình quá lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự điều chỉnh sâu hơn về hệ thống giáo dục, chẳng hạn như cần có hệ thống tư vấn tâm lý học đường để tư vấn cho các em, định hướng cho các em và giáo dục kỹ năng sống, cách ứng xử cho các em.
Từ một số vụ việc vừa qua, chúng ta cũng thấy các em chưa hiểu biết về pháp luật, các em tự cho mình cái quyền được đánh bạn, được ăn trộm (dù giá trị vật chất không đáng bao nhiêu),…
Như vậy, chúng ta cũng phải giáo dục kỹ hơn về pháp luật, giúp các em nhận thức được mức độ nghiêm trọng hành vi bạo lực học đường của mình./.
Đại biểu Quốc hội: Bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận
Nhiều clip học sinh đánh bạn: Lo ngại bạo lực học đường