vov_chuong_my_sau_ngap_lut_thua_rac_thieu_nuoc_sach_16_ymwn.jpg
Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nước tại các điểm úng ngập đang dần rút. Phương án tiếp tế nước sạch, lương thực, đồ dùng thiết yếu được triển khai thuận lợi hơn những ngày trước.
Những bình nước 20l được chuyển lên các xe công nông cải tiến, rồi di chuyển đến các điểm tập kết ở các thôn, phát cho những hộ dân một số thôn vẫn còn bị cô lập.

Bà N.Đ.Tâm người dân xã Nam Phương Tiến cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi được cấp 1 đến 3 bình nước 20l, kèm một vài bình nước uống nhỏ. Chúng tôi phải sử dụng rất chắt chiu để nấu ăn và uống, còn những sinh hoạt khác đành phải cố gắng hạn chế”.
Mong muốn của người dân là có đủ nước sạch để sử dụng, tuy nhiên, dù công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tốc độ rút nước tại các điểm úng ngập.
Sáng 8/8, người dân bắt đầu dọn dẹp đường xá tại các khu vực nước đã dần rút.
Lực lượng cảnh sát PCCC sử dụng vòi phun nước để làm sạch đường, công sở, trường học...
Chưa dứt được cảnh lênh đênh trên sông nước, người dân lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, thứ nước họ phải đối mặt hàng ngày luôn bốc mùi tanh, nồng nặc, xú uế của rác, xác động vật chết khiến những người chưa chịu đựng "quen" phải choáng váng đầu óc.
Một người dân đi ra từ điểm ngập sâu cảnh báo cho lực lượng sửa chữa đường dây điện: nước phía bên trong còn sâu, nếu đi vào có thể chết máy giữa đường.

Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn một số thôn như Nhân Lý nước ngập đến bụng, giao thông đi lại khó khăn, nước thiếu, điện không nhưng thừa rác.
Sau khi nước rút, đã để lộ ra những sinh vật lên xuống theo mực nước cũ. Trong ảnh: trứng ốc bươu vàng bám đầy phía trên cao các bức tường.
Chính quyền địa phương cho hay, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường đang được tiến hành khẩn trương, bởi sau khi nước rút dễ nảy sinh các ổ dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...
Trước tình hình cấp bách đó, chính quyền huyện Chương Mỹ đã huy động thanh niên xung phong, cùng các lực lượng khác ứng trực cùng bà con dọn dẹp với phương châm “nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó”.
Bà Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Nước đã rút so với những ngày trước, nhưng rác không biết ở đâu dồn về, mắc kẹt tại các gốc cây, bốc mùi rất khó chịu. Xác gà, chuột, ốc, đủ loại… gia đình tôi dọn không xuể. Hàng ngày, chúng tôi phải lội làm nước ăn chân, có người bị lở loét, trượt hết cả mảng da”.
Nỗ lực cản rác của người dân tại địa phương ngày càng gặp khó. Người dân lo lắng khi nước rút không biết làm cách nào để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm như hiện nay, bởi tất cả các loại rác trôi vào nhà trong những ngày ngập lụt. Tình hình còn tệ hại hơn với một vài hộ sống gần bãi rác.

“Nhà chúng tôi đóng cửa kín mít, nhưng rác vẫn xô hết vào trong nhà bởi trước cửa là bãi rác của xã. Sau khi nước rút, chúng tôi sẽ kiến nghị không cho vứt rác ở đó nữa”, một người dân bức xúc nói.

Sau ngập lụt dài ngày, hậu quả để lại ở huyện phía Tây Thủ đô là tình trạng thiếu nước sạch nhưng thừa rác, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường dẫn đến những bệnh về da, truyền nhiễm...

Trong thời gian này, người dân đang được các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ về thuốc men, lương thực, đồ dùng thiết yếu. Từ nay đến cuối tháng 8, chính quyền địa phương tiếp tục khẩn trương giúp dân thu dọn vệ sinh, đặc biệt chú ý đến vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh kèm theo.