Từ đầu năm đến nay, nắng gay gắt khiến mực nước của nhiều hồ thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên Huế đều ở mức rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Thiếu nước không chỉ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà máy thủy điện.
Hiện nay, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên Huế thiếu nước trầm trọng, mực nước tại các hồ đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện, tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện, các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đều khô cạn nước.
Một số hồ lớn như hồ Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài… dung tích hữu ích còn lại từ 20% đến 50%. Riêng hồ Tả Trạch mực nước hiện tại là 24m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 21m.
Tại nhà máy thủy điện Bình Điền, chưa năm nào mực nước xuống thấp như năm nay, hiện mực nước tại hồ gần bằng mực nước chết, thấp hơn so với năm 2017 là 14m, thấp kỷ lục. Tình trạng này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành của các nhà máy thủy điện.
Các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khô cạn nước. |
“Thời điểm bây giờ đang giữa mùa mưa bão của địa phương nhưng hiện nay mực nước hồ rất thấp, gần như mực nước chết. Hồ đang thiếu 340 triệu m3 mới đủ mực nước so với các năm. Vào mùa mưa lũ nước không có nên chỉ phát điện cầm chừng, ngày chỉ chạy vài tiếng để đảm bảo dòng chảy môi trường theo quy định. Năm nay không tích được nước thì mùa khô của năm 2019 chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền cho biết.
Tại nhà máy thủy điện Hương Điền, mực nước đang ở mức 48m, trên mực nước chết 2m, dưới mực nước bình thường 10m. Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc nhà máy thủy điện Hương Điền cho biết, nếu không có lượng mưa bổ sung thì công tác vận hành, hoạt động của các nhà máy thủy điện gặp rất nhiều khó khăn.
Do thiếu nước nên các thủy điện trên địa bàn Thừa Thiên-Huế chỉ hoạt động cầm chừng. |
“Hồ của thủy điện Hương Điền cao hơn mực nước chết 1,8 mét, tức là rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Với tình hình thời tiết như thế này nếu không có mưa và mực nước về hồ thấp thì rất khó khăn cho các nhà máy thủy điện nói chung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và thủy điện Hương Điền nói riêng. Sản lượng điện sang năm có thể rất thấp, không đạt kế hoạch”, ông Trịnh Xuân Khoa nói.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8 đến nay, lượng mưa tại địa phương rất thấp. Trong đó, lượng mưa tại huyện Nam Đông chỉ đạt 25%, huyện A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Mực nước và dòng chảy các sông ở hạ lưu đều thấp hơn nhiều năm, còn ở các sông ở vùng núi chỉ đạt 30% đến 38%.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Theo dự báo từ nay đến hết mùa mưa, ở Thừa Thiện - Huế chỉ có 2 đến 3 đợt mưa nhưng lượng mưa không cao, vì vậy các chủ hồ đập cần tiết kiệm nước để đề phòng khô hạn cho vụ hè thu sắp tới.
Nhà máy thủy điện Hương Điền. |
“Hiện nay trên các sông suối đặc biệt là các hồ chứa tât cả đều thiều nước, các hồ chứa lớn như hồ Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch rất thấp… mực nước ở các hồ hơn mực nước chết một ít mà thôi. Dòng chảy đển các hồ chứa cũng rất là thấp. Nếu chúng ta không cẩn thận đến mùa hè sắp tới các hồ sẽ khô kiệt”, ông Hùng cho hay.
Diễn biến thời tiết khó lường, dòng chảy hạn chế và lượng mưa ít, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ thời tiết và sản xuất của người dân; đề nghị các chủ hồ đập, hồ chứa nước phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các chủ hồ nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó, tích nước hợp lý để vừa phát điện vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường vùng hạ du.
“Các hồ thì vẫn phải tuân thủ quy định vận hành liên hồ trong mùa mưa lũ nhưng cũng theo sát tình hình để có phương án tối ưu để tích nước cho sang năm. Hiện nay đập Thảo Long là nơi cửa ra của các con sông trên địa bàn tỉnh thì cũng đang thấp hơn mực nước biển, mực nước này vẫn càn sự điều tiết ở các hồ đập. Chúng tôi cũng yêu cầu các chủ đập điều tiết dòng chảy ở mức độ vừa phải để tiết kiệm nước", ông Nguyễn Văn Phương cho biết./.
Hàng trăm héc-ta lúa Hè – Thu ở Phú Yên “khát nước”, khô hạn
Khô hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên
Khô hạn khắc nghiệt, di tích Ao Bà Om – Trà Vinh cạn trơ đáy
Bình Thuận mở nước cứu vùng khô hạn nhất ở phía Bắc