Trước tình hình dịch bệnh Chikungunya ở bên kia biên giới đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã và đang lây lan nhanh ở 15 tỉnh, thành tại Vương quốc Campuchia, trong đó có 2 tỉnh tiếp giáp với An Giang là Kandal và Takeo, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất, nhập cảnh để phòng, chống bệnh Chikungunya.
Để chủ động kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã thành phố chủ động các biện pháp phối hợp phòng bệnh, kiểm soát chặt chẽ xuất, nhập cảnh, nắm tình hình diễn biến bệnh Chikungunya ở bên kia biên giới; bằng mọi cách không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.
Hiện nay, Sở Y tế tỉnh An Giang cũng đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép Chikungunya, Dengue và Zika cũng như hỗ trợ các tuyến về công tác giám sát và kiểm soát véc-tơ phòng bệnh nhiễm từ các loại virus này.
Chủ động chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn; đồng thời xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động.
Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn chưa phát hiện ca nào mắc bệnh Chikungunya.
Theo ông Tâm, việc phòng dịch bệnh Chikungunya, giống như phòng dịch sốt xuất huyết, chủ yếu phải tránh muỗi vằn đốt, vệ sinh nhà cửa không cho lăng quăng phát sinh, ngủ màn cả ban ngày, dùng các hóa chất để xua đuổi muỗi. Khi có biểu hiện như là sốt, sốt cao, đau nhức mình, nhức đầu thì nên đến Cơ quan Y tế để được hướng dẫn thêm./.