Tính đến đến thời điểm hiện tại, 4 công nhân bị thương nặng trong vụ tai nạn hầm lò tại Công ty tham Hòn Gai đã qua cơn nguy kịch, 6 công nhân bị thương nhẹ đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Hiện 1 công nhân là anh Phan Anh Vân mắc kẹt trong lò vẫn đang được nỗ lực tìm kiếm.
Theo tính toán đội cứu hộ còn cách khoảng hơn 10 mét vị trí dự đoán công nhân đang bị mắc kẹt.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm hỏi, động viên các nạn nhân tại bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy |
Trong buổi sáng nay (20/8) Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới thăm hỏi các công nhân bị thương trong vụ tai nạn hầm lò tại Công trường than Thành Công, phường Hà Khánh, TP Hạ Long - Công ty Than Hòn Gai.
Phó Chủ tịch nước đã động viên, chia sẻ và trao hỗ trợ cho các nạn nhân đồng thời yêu cầu Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh tập trung cao nhất mọi thiết bị cũng như nhân lực để cứu chữa cho các nạn nhân; tăng cường các bác sĩ từ các bệnh viện tập trung cứu chữa người bị thương.
Phó chủ tịch nước cũng Yêu cầu tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tích cực tìm kiếm công nhân bị mất tích; khẩn trương khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Công ty Than Hòn Gai, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam cần phải kiểm tra lại quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng kiểm tra tại hiện trường vụ bục nước đường lò tại Quảng Ninh |
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng bộ Công thương Cao Quốc Hưng, cũng tới hiện trường thăm hỏi động viên các công nhân trực tiếp tham gia cứu hộ và kiểm tra công tác cứu hộ cứu nạn.
Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu TKV tích cực hơn nữa các giải pháp cứu hộ, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ. Sau khi công tác cứu hộ hoàn thành sẽ tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Trước những thiệt hại nặng nề của ngành Than, Bộ Công thương sẽ có các hình thức hỗ trợ kịp thời.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nói: "Sau khi sự cố xảy ra, Bộ đã tổ chức các cuộc họp cùng với ngành than để xác định thiệt hại một cách đúng đắn và tìm ra giải pháp để sớm đưa vào sản xuất và hoạt động lò bình thường đảm bảo kế hoạch sản xuất 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. Về mặt an toàn cho mùa mưa bão thì Bộ đã có nhiều công văn hướng dẫn cụ thể những việc cần làm. Còn đối với những khó khăn của ngành than trong đợt mưa lũ vừa qua, đặc biệt là sự cố lần này, chúng tôi đang cùng ngành than xác định các giải pháp đồng bộ hỗ trợ tối đa cho ngành than".
Theo Ban chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường, do vị trí công nhân mắc kẹt có tiết diện hẹp nên Ban chỉ đạo đã huy động thêm lực lượng cứu hộ tinh nhuệ và máy móc chuyên dụng từ công ty than Hà Lầm.
Tập đoàn TKV đã huy động tối đa lực lượng có mặt tại hiện trường để triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ công nhân bị mắc kẹt. Đến thời điểm này, đã khống chế được lượng nước từ các điểm bục ở dọc vỉa mức -95 xuống khu vực dự kiến có người mắc kẹt. Song song với việc bơm nước liên tục, các công nhân và máy móc đang tiến hành tiêu than từ mức -165 để tiếp cận khu vực này.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể dự kiến được thời điểm tìm thấy và đưa được người gặp nạn, là anh Phan Anh Vân ra ngoài. Các mũi đào lò còn cách vị trí xác định có công nhân gặp nạn 17m; nước trong lò vẫn còn đọng nhiều, phía dưới là lớp bùn. Để đảm bảo an toàn khai thác trong thời gian tới.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Ngành than phải kiểm tra lại độ an toàn một cách cao nhất, khi nào cảm thấy thực sự an toàn mới cho vào sản xuất nhất là những mỏ đã ngừng. Ngành than cùng với các địa phương khẩn trương di dời và lập lại trật tự các khu vực bãi thải nhất là di dân tại các chân bãi thải có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó ngành than cũng phải lập phương án ứng cứu sự cố khi mưa lũ thiên tai xảy ra để chủ động đối phó với các tình huống khi thời tiết khắc nghiệt như hiện nay"./.