Vấn đề sụt lún đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của người dân ở khu vực này. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo sụt lún đất tại ĐBSCL do Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức ngày (22/11) tại TP. Cần Thơ.

sut_lun_vov_buaj.jpg
Theo nghiên cứu mỗi năm Cần Thơ bị sụt lún từ 2 đến 4cm.

Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Xây dựng cho rằng, một số vùng của ĐBSCL, ngập úng sẽ trở nên nghiêm trọng với tần suất thường xuyên hơn và những khu vực có địa hình thấp sẽ bị ngập nếu không đưa ra những giải pháp căn cơ, phù hợp về vấn đề sụt lún đang diễn ra hiện nay.

Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 tốc độ sụt lún ở ĐBSCL chưa có dấu hiệu giảm, khu vực đô thị như TP. Cần Thơ, nền đất sụt lún dao động từ 2 đến 4cm một năm, còn ở khu vực nông thôn sụt lún ở mức 1cm/năm và tiếp diễn với tốc độ tương tự trong nhiều năm.

Một số chuyên gia, nhà khoa học đã nêu vấn đề sụt lún đất ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát thời gian qua, gây sụt lún ở nhiều khu vực trong vùng và muốn giảm sụt lún thì phải sử dụng nước ngầm một cách hiệu quả, và có sự kiểm soát chặt chẽ.

PGS – TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, có ba vấn đề gây ra sụt lún ở ĐBSCL, thứ nhất do lún tự nhiên, thứ hai là xây dựng công trình cao tầng và thứ ba là khai thác nước ngầm khiến cho vấn đề sụt lún đang diễn nhanh hơn.

Để hạn chế vấn đề sụt lún thì cần phải quản lý sử ngầm một cách chặt chẽ tại những nơi đang khai thác nhiều và thiếu kiểm soát, và cần khôi phục tầng nước ngầm để bù đắp lại thiếu hụt mực nước ngầm, đồng thời cần khôi phục lại hệ thống sông ngòi để khi nước lũ về có thể bù đặp những thiếu hụt./.