Lỗi đã được xác định và án kỷ luật lập tức được đưa ra: 2 cầu thủ U21 Việt Nam Văn Thuận và Văn Công nhận án kỷ luật khiển trách. Ngay cả khi VFF tuyên bố U21 Việt Nam phải giải trình thì ai cũng hiểu, sự việc nên dừng ở mức án như vậy là đủ. VFF chưa cần mang "dao mổ trâu đi giết gà", bởi vụ “xé rào” của 2 cầu thủ U21 Việt Nam không đến mức phải có bé, xé to.

Cần khẳng định, việc Văn Thuận, Văn Công xuất hiện trong bar không phải chuyện quá ghê gớm. Họ đủ lớn khôn để chọn lựa hay ý thức được nhu cầu giải trí của mình. Chơi trên bar, lắc lư giữa tiếng nhạc chát chúa hay nốc rượu mạnh chăng nữa, không ai có quyền cấm đoán những cầu thủ này được giải quyết nhu cầu cá nhân chính đáng của mình. Hoặc sâu xa hơn, đừng coi chuyện xuất hiện và chơi ở bar luôn đi kèm với những gì xấu xa, tệ hại.

u21.jpg
Sau cuộc họp toàn đội, HLV Đinh Văn Dũng chỉ đưa ra hình phạt khiển trách. (ảnh: Thanh Niên)

Cái lỗi của 2 cầu thủ U21 Việt Nam nằm ở tính kỷ luật nghề nghiệp, vì họ xé rào đi chơi khi đã quá giờ giới nghiêm của đội bóng chứ không phải vấn đề nằm trong khía cạnh đạo đức. Biểu hiện ấy thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, tôn trọng và giữ gìn cho nghề nghiệp. Người ta có thể chê trách, chê bai bộ đôi Văn Thuận, Văn Công đã làm xấu tác phong của cầu thủ chuyên nghiệp trong thời điểm U21 Việt Nam đang tập trung cho giải đấu. Tuy nhiên, nếu đẩy sự việc lên quá cao, xem chừng không phải là sự phản ánh một cách khôn ngoan nhất.

Có chi tiết mà dư luận cho rằng là hình ảnh phản cảm nhất trong scandal của 2 cầu thủ U21 Việt Nam: Văn Thuận và Văn Công khi xé rào chơi đêm vẫn đang khoác trên mình tấm áo đội tuyển. Chiếc áo đội tuyển có gắn liền 2 chữ “Việt Nam” đương nhiên không có tội. Thậm chí trong vụ phát hiện cầu thủ U21 Việt Nam xé rào chơi đêm, chiếc áo đội tuyển có công tố cáo hành vi thiếu kỷ luật của nhóm cầu thủ trẻ.

Hai cầu thủ Văn Công, Văn Thuận khoác áo tuyển lên bar chơi. (ảnh: Vnexpress)

Chiếc áo không có tội. Cái tội nằm ở ý thức và sự trân trọng của người sử dụng chiếc áo. Trước đây, dư luận từng chứng kiến cựu tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng “múa hát” trong xế hộp ở Thanh Hóa khi vẫn diện chiếc áo đấu của đội tuyển Việt Nam. Người thì bảo Huy Hoàng say rượu, người khác lý giải rằng, trung vệ này đang phê thuốc lắc, nên mới múa hát, mất kiểm soát hành vi. Hình ảnh phản cảm ấy khiến dư luận thương cho chiếc áo đội tuyển, bị vấy bẩn khi chủ sở hữu lại khoác áo “thi đấu” trong bộ môn đi ngược với những giá trị đạo đức.

Bây giờ vụ xé rào chơi đêm của nhóm cầu thủ U21 Việt Nam lại làm cho chiếc áo vốn thiêng liêng, gắn liền với màu cờ sắc áo thêm một lần bị nhạt nhòa. Dĩ nhiên, sai lầm của các cầu thủ U21 Việt Nam chưa phải tội tày đình. Nó chưa đáng bị đổ đồng, thậm xưng hóa để xử lý kiểu con yêu, con ghét. Như chuyện so sánh cầu thủ U19 Việt Nam sạch thế, ngoan thế, tại sao cầu thủ U21 Việt Nam không biết học tập các đàn em mà tập trung vào việc mài dùi trên sân cỏ? Điều đó quá khập khiễng, và cách nắn đường cho những cầu thủ U21 Việt Nam mắc sai lầm như vậy không phải là giải pháp tốt, theo kiểu ghét cho ngọt cho bùi.

Chiếc áo đội tuyển không có tội. Nhưng vấn đề lớn cho bóng đá Việt Nam là tìm ra giải pháp giúp chiếc áo đội tuyển được nâng niu, coi trọng giá trị cho xứng với những cầu thủ được đặt niềm tin, gửi gắm chiếc áo./.