Giải Việt dã toàn quốc mang tên báo Tiền Phong, giải đấu đỉnh cao có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam, đã bước sang tuổi 60 (lần đầu tiên tổ chức năm 1958) với lần tổ chức thứ 60 (có một năm giải không được tổ chức).
Đây là một giải đấu quan trọng, đã được đưa vào hệ thống thi đấu của điền kinh Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, được tổ chức trong tháng 3 hàng năm nhân dịp Kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), Ngày Thể thao Việt Nam (27/3).
Theo điều lệ giải được Tổng cục TDTT ban hành, Việt dã toàn quốc và Marathon Giải báo Tiền Phong lần thứ 60 - 2019 sẽ diễn ra vào sáng Chủ nhật 24/3/2019 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu,do báo Tiền Phong, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức vàđược Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp từ 6h00.
Cuộc họp báo giới thiệu giải Việt dã toàn quốc và Marathon báo Tiền Phong 2019 diễn ra sáng 14/3 |
Đổi mới mạnh mẽ
Ở tuổi “lục thập hoa giáp”, Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong (Tiền Phong marathon) có rất nhiều nỗ lực cải tiến hoàn thiện giải đấu theo kịp sự phát triển của phong trào điền kinh Việt Nam.
Với mục tiêu hướng tới phong trào chạy bộ đang ngày càng phát triển trong các tầng lớp nhân dân, sau những cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm cùng các CLB chạy bộ, các đơn vị tổ chức giải chạy phong trào, BTC quyết tâm thực hiện những đổi mới mạnh mẽ trong công tác tổ chức giải, với phương châm phục vụ VĐV ở mức tối đa, lấy VĐV là trung tâm trong công tác tổ chức.
Nếu như trước đây, Tiền Phong marathon chỉ là nơi tranh tài của các VĐV đỉnh cao, việc tổ chức theo đó cũng rất gọn nhẹ, chỉ gói gọn trong một buổi sáng do số VĐV tham dự không nhiều. Giờ đây, việc chuyển hướng sang phục vụ người yêu chạy bộ cả nước đến với giải buộc BTC phải tính toán đảm bảo được chuyên môn cho việc tranh tài của VĐV đỉnh cao, vừa biến giải thành một ngày hội tận hưởng niềm vui chạy bộ của VĐV phong trào.
Từ việc chỉ tổ chức trong một buổi, nay giải kéo dài trong hai ngày, với ngày trước thi đấu là ngày VĐV phong trào cả nước tụ hội gặp mặt, giao lưu trực tiếp, chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về chạy bộ, ghi lại những tấm hình cùng bạn bè, thần tượng, nhận BIB cùng những sản phẩm hỗ trợ từ Ban tổ chức.
BTC sẽ có những thay đổi mạnh mẽ ở giải năm nay |
Hỗ trợ cho lực lượng trọng tài là hệ thống tính điểm điện tử thông qua time chip dán lên BIB (số đeo VĐV), bảo đảm sự chính xác về thành tích thi đấu cho hàng ngàn VĐV, giúp VĐV có thể biết rõ sự tiến bộ của mình chỉ bằng một cú lick chuột trên website của giải hay quét mã QR ngay trên chính BIB của mình.
Để giúp VĐV chống lại sự mệt mỏi trên đường chạy marathon 42,195km đầy khắc nghiệt, BTC cung cấp gel năng lượng cho các VĐV cùng việc bố trí những điểm tiếp nước, nước điện giải và hoa quả giàu vitamin, khoáng chất trên đường chạy. Sau khi về đích, VĐV có thể giảm tải cho những đôi chân, cơ bắp mệt mỏi thông qua việc ngâm mình trong những bồn nước đá mát lạnh.
Và không gì thú vị hơn khi tấm huy chương vừa nhận được khắc lazer tên chính mình lên đó, trở thành tấm chuy chương độc nhất, cá nhân hóa nhất, thông qua dịch vụ khắc tên lazer miễn phí được BTC cung cấp ngay tại sự kiện.
Cùng chạy và khám phá, tận hưởng niềm vui
Tham gia ngày hội tại thành phố du lịch Vũng Tàu nổi tiếng nằm sát bên TP.HCM với chỉ 2h chạy xe, các VĐV phong trào có thể tận hưởng những ngày cuối tuần tuyệt vời cùng đồng nghiệp, bạn bè và gia đình khi vừa có cơ hội tham gia giải chạy có truyền thống nhất nước, vừa có cơ hội hòa mình vào làn nước biển trong mát, thưởng thức những món hải sản, đặc sản phong phú, hấp dẫn hay thăm quan những danh thắng nổi tiếng như ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam, tượng Chúa giang tay hay bãi pháo cổ trên đỉnh núi lớn.
Với những thay đổi trong phương thức tổ chức, sự cầu thị của BTC trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp từ những người chạy bộ phong trào, giải đấu năm nay nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng chạy bộ phong trào với sự tham gia đăng ký thi đấu của gần 2000 VĐV, trong đó có hơn 400 VĐV tranh tài ở nội dung marathon, tăng gấp 3 lần so với giải năm 2018.
Toàn cảnh cuộc họp báo giới thiệu giải |
Cự ly chuẩn, giải thưởng lớn
Khác với những lần tổ chức trước có những cự ly trung bình ngắn 2km, 3km, năm nay BTC quyết định áp dụng hệ thống cự ly thi đấu theo đúng chuẩn gồm 21,1km bán marathon, 42,195km marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 10km nam tuyển, nam trẻ, nam, nữ phong trào; 5 km nữ tuyển, nữ trẻ và nam nữ phong trào.
Theo truyền thống, ngoài tranh tài ở các cự ly cá nhân, VĐV đội tuyển các tỉnh thành ngành còn thi đấu tính điểm đồng đội, toàn đoàn. Để đảm bảo độ chính xác, đường chạy của giải được chuyên gia đo đường của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng và kiểm tra kỹ.
Ngoài các nội dung thi đấu chính thức, giải còn có nội dung chạy đồng hành dành cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức của thành phố Vũng Tàu với sự tham dự của gần 1.000 người.
Năm nay, tổng trị giá giải thưởng gần 300 triệu đồng tiền mặt. Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong cho đến nay vẫn đanglà một trong những giải đấu có hệ thống giải thưởng gồm nhiều hạng mục nhất trong làng điền kinh quốc gia. Với sự đổi mới về hệ thống giải, các VĐV được nhận thưởng toàn đoàn, đồng đội và cá nhân cho 3 thứ hạng đầu ở các nội dung thi đấu hệ nâng cao.
Riêng hệ phong trào, BTC trao thưởng cho VĐV marathon, bán marathon ở 3 nhóm tuổi: từ 16 đến 29, từ 30 đến 39 và trên 40 tuổi, tạo nên sự cạnh tranh và cơ hội thắng giải cho rất nhiều VĐV phong trào.
Ngoài giải thưởng, Đoàn vô địch được nhận Cúp luân lưu của BTC. Đoàn sau 3 lần giành ngôi vô địch toàn đoàn sẽ đoạt vĩnh viễn Cúp luân lưu. Cùng với giải thưởng của BTC, các đoàn, đội, VĐV đoạt 3 thứ hạng đầu nội dung nâng cao còn được nhận bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh./.
Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo, Việt dã giải báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức ngày 25/12/1958 với 72 VĐV tham dự, trong đó có cả “anh hùng Thế vận” nổi tiếng ngày đó là VĐV Emil Zatopek với 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ 1948 tới 1953, trở thành VĐV nước ngoài đầu tiên dự giải. Trong suốt lịch sử của giải, năm 1980 là lần đầu tiên và cũng là duy nhất giải không được tổ chức vì những lý do khách quan.
Qua 59 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho tổ quốc như các VĐV Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng trước đây hay Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình, Nguyễn Văn Lai... trong khoảng 10 năm trở lại đây.