Khi SEA Games 27 cận kề, thầy trò Hoàng Văn Phúc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng. Về cơ bản, lúc này bộ khung và lối chơi của U23 Việt Nam đã định hình, song việc các tiền đạo không ghi bàn trong 5 trận liền đang để lại nhiều sự lo lắng.

Một đội bóng được đánh giá là mạnh chỉ khi có sự đồng đều và ổn định ở cả 3 tuyến. Xét trên tiêu chí này, U23 Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại dường như vẫn chưa đạt ngưỡng.

Không thể ra trận với kiếm cùn

Theo dõi quá trình chuẩn bị của U23 Việt Nam cho chiến dịch SEA Games 27, có thể nhận thấy hàng phòng ngự và tuyến tiền vệ có nhiều tiến bộ rõ nét, riêng phong độ của hàng công lại có dấu hiệu thụt lùi.

tien%20dao.jpg
2 tiền đạo Minh Tuấn (trái) và Hồng Quân đang có dấu hiệu khô hạn bàn thắng ở các trận đấu tập gần đây của ĐT U23 Việt Nam. Ảnh: VSI

Kể từ chuyến tập huấn Hungary, đến giải đấu giao hữu BTV Cup tại Bình Dương, U23 Việt Nam đã thi đấu tất cả 11 trận. Trong 11 trận đó các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc ghi được tổng cộng 29 bàn thắng (trung bình 2,6 bàn/trận), nhưng số lần lập công của 3 tiền đạo chỉ là 7 bàn (Minh Tuấn: 3 bàn; Hồng Quân: 2 bàn; Văn Đại: 2 bàn). Không chỉ hiệu suất ghi bàn thấp, mà các bàn thắng mà tiền đạo U23 Việt Nam ghi được phần nhiều đều diễn ra trong các trận đấu tập, hoặc trong những thời điểm không quan trọng.

Đáng buồn hơn là càng tiến gần SEA Games thì các tiền đạo của chúng ta lại càng không có được phong độ tốt. Tính ra cũng đã 5 trận rồi, cả Minh Tuấn, Hồng Quân hay Văn Đại vẫn đang “tịt ngòi”.

Tại kỳ SEA Games gần nhất, việc thiếu hẳn một chân sút lợi hại trên hàng công khiến U23 Việt Nam không có được sức mạnh như mong muốn, thất bại của thầy trò HLV Falko Goez vì thế là hiển nhiên.

Để tránh giẫm lên vết xe đổ ở SEA Games 26, HLV Hoàng Văn Phúc cần phải trui rèn được ít nhất một tiền đạo có đủ khả năng gây áp lực, tạo đột biến trong vòng cấm.

Trong số 3 tiền đạo mà HLV Hoàng Văn Phúc sở hữu, Minh Tuấn và Hồng Quân được đặt nhiều niềm tin, song cho tới lúc này cả 2 chưa cho thấy nhiều sự tiến bộ. Tiền đạo Minh Tuấn nhỉnh hơn với 3 bàn thắng/ 10 trận, cùng với đó là khả năng làm tường, phối hợp khá tốt cùng đồng đội.

Tuy nhiên, khả năng Minh Tuấn trở thành sát thủ hiệu quả tại SEA Games sắp tới là không cao, bởi lối chơi của anh ít có sự bùng nổ, đột biến.

Trong khi đó, Hồng Quân dù được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng sau những gì đã thể hiện ở U23 Việt Nam, tiền đạo Việt kiều vẫn chưa chứng tỏ được nhiều. Việc Hồng Quân đánh mất vị trí vào tay Minh Tuấn là minh chứng cho thấy anh vẫn chưa đạt được phong độ cao trước ngày lên đường sang Myanmar.

Rõ ràng, đây là tín hiệu không mấy khả quan cho U23 Việt Nam, nhất là với mục tiêu cao tại SEA Games sắp tới.

Tiền đạo “chân tiền”- nỗi khát khao của các ĐTQG

Đã có nhiều lý giải cho việc chân sút nội bị cùn, như các chân sút ngoại đóng vai trò chính trong các CLB, khiến đa số không có cơ hội để phát triển, nhất là phải đá lệch vai. Dù thế, cũng phải xem lại ý chí vươn lên của các tiền đạo nội ở mức độ nào.

Việc trui rèn một chân sút tinh nhuệ trên hàng công cho U23 Việt Nam thời điểm này là quá muộn. Gần nửa tháng nữa không thể kịp cho việc các “sát thủ” vót nhọn những kỹ năng của mình.

Trong trường hợp này,  HLV Hoàng Văn Phúc không còn cách nào khác phải cậy nhờ vào khả năng công phá ở tuyến 2, cùng những pha dàn xếp đá phạt cố định, những cú “nã đại bác” từ xa. Đấy là câu chuyện muôn thuở, của U23 và ĐT Việt Nam trong các kỳ SEA Games, AFF Cup gần đây.

Hiện trong đội hình của U23 Việt Nam có không ít tiền vệ thi đấu đa năng như Phi Sơn, Văn Thắng, Văn Quyết… đây là những nhân tố có khả năng gây đột biến cao. Thực tế, với những gì đã thể hiện (thông qua số bàn thắng 22 bàn/11 trận), hàng tiền vệ vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của U23 Việt Nam.

Trong các trận đấu tập huấn và giao hữu trước thềm SEA Games 27, hàng tiền vệ là điểm sáng trong sơ đồ chiến thuật của HLV Hoàng Văn Phúc. Nếu Văn Quyết là một nhạc trưởng dẫn dắt lối chơi đĩnh đạc, còn Phi Sơn có khả năng quấy rối và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, thì Văn Thắng cũng hứa hẹn là điểm bùng phát trong hệ thống chiến thuật của U23 Việt Nam.

4 bàn thắng mà Văn Thắng ghi được cho U23 Việt Nam đều là những pha lập công trong khu vực 16m50, điều đó chứng tỏ Văn Thắng hoàn toàn có thể biến thành một tiền đạo ảo.

Ngoài ra, khả năng xâm nhập và dứt điểm của những người chơi thấp như Hoàng Thịnh, Mạnh Hùng, Vũ Minh Tuấn cũng là giải pháp hay. Đặc biệt, các tình huống sút xa từ tuyến 2 của Hoàng Thịnh, Minh Tuấn, hay những pha đá phạt cố định từ cái chân trái rất ngọt của hậu vệ Mạnh Hùng có thể được xem là vũ khí bí mật…

Trong chuyến tập huấn cuối cùng tại Bình Dương, U23 Việt Nam lần lượt có 3 trận thử lửa với 3 đối thủ không được đánh giá cao, đây là cơ hội cuối cùng để các tiền đạo của chúng ta rèn luyện kỹ năng dứt điểm.

Rõ ràng, U23 Việt Nam vẫn có biện pháp thay thế khi tiền đạo im tiếng, nhưng nếu đá bóng mà tiền đạo không đảm trách được vai trò ghi bàn thì chắc chắn là gay go!/.