Trên khán đài trong trận U19 Việt Nam thắng Singapo 4-0 (9/8) thấy biểu ngữ “Việt Nam cố lên”.  Trong thi đấu, nhất là đối kháng, dù thua hay thắng thì cái biểu ngữ này vẫn thể hiện sự yếm thế. Nó cho thấy sự yếu đuối và có phần dưới cơ so với đối thủ nên cần một lời động viên.

“Cố lên” có cảm giác như một hành động gắng sức để vượt thoát khỏi cái ngưỡng trung bình. Với những VĐV có lòng tự trọng, quyết tâm thi đấu cao, tự tin… thì “cố lên” là một sự xúc phạm.

Dở khóc dở cười ở chỗ đấy lại là sự xúc phạm hồn nhiên, vô tư và trong trẻo. Bởi người viết cái biểu ngữ ấy đã hiểu theo nghĩa tích cực, coi nó như lời khích lệ nhiệm màu, là thứ ma túy tinh thần, những mong giúp đội nhà giành chiến thắng.   

vncl_fbjk.jpg
Biểu ngữ "Cố lên" trên khán đài Việt Nam (ảnh minh họa: VnExpress)

Từ lâu rồi, ta bắt gặp, ta đã nghe đến nhàm tai điệp khúc “cố lên” trên một vài show trên ti vi, hình như xuất hiện đầu tiên là để dành cho các em bé, các chương trình thiếu nhi?

Thôi thì trẻ nhỏ luôn cần sự khích lệ ngợi khen, lại là vài cái show truyền hình nội địa thì chẳng nói làm gì, đằng này ở một trận đấu quốc tế thì biểu ngữ cũng phải có tầm quốc tế chứ ai lại giăng “cố lên” ngay từ khi tiếng còi khai cuộc, thấy thiếu sinh khí lắm!

Sẽ rất buồn nếu biểu ngữ ấy của các bạn trẻ, bởi thế hệ các bạn là những người dám nghĩ khác, làm khác và luôn tự hỏi cái mà người ta đã làm, đang làm kia có ổn không? Làm lại cái việc người khác đã làm mà không có tí tư duy nào không phải phẩm chất của các bạn.

Tất nhiên, cũng chẳng nên bắt bẻ, khắt khe về câu chữ làm gì. Trong tình huống đội nhà đang thất thế, bỗng dưng thi đấu chùng xuống, dưới phong độ vì một lý do nào đó  thì “cố lên” để xốc lại tinh thần hoàn toàn chấp nhận  được.

Lại có biểu ngữ “Việt Nam vô địch” được chăng ngay trước khi tiếng còi khai cuộc. Nhiều trận đội nhà thua tả tơi tan nát nên mấy fan hâm mộ không biết giấu “vô địch” vào đâu, trông thảm!

Ngược hẳn với “cố lên”, “vô địch” nghe (hoặc nhìn) rất hợm hĩnh, chủ quan và khinh suất. Ra sân chơi quốc tế đâu có ai kém? Đừng vội vàng! 

Sớm chụp lên đầu cái vương miện “vô địch”, quẳng ra phía trước cái đích rực rỡ hào quang như thế, người ta kỳ vọng đội nhà sẽ thi đấu quyết tâm, nhưng mặt trái của nó cũng khiến cho tâm lý càng thêm nặng nề. Vì thế, biết đâu lợi bất cập hại.

Ra sân chơi quốc tế thì không chỉ VĐV mà người hâm mộ, cách cổ động của các fan cũng đại diện cho quốc gia. Sẽ chẳng phù hợp tí nào nếu cố nhét vào các biểu ngữ cổ động ấy những lỡi lẽ đao to búa lớn kiểu “vô địch”, “quyết tâm”, “nhiệt liệt”, “bất diệt”... Cái đó chỉ tồn tại trong khẩu hiệu. Nhưng cũng chẳng làm gì phải khiêm tốn tới mức nhu nhược, đến nỗi phải “cố lên” cả./.